Ngoài kiến thức trên lớp, sinh viên ĐH FPT còn có cơ hội học tập đa dạng các lớp ngoại khóa, thể thao, âm nhạc khác như Vovinam, nhạc cụ dân tộc hay tổ chức sự kiện…
Sinh viên trường FPT có những trải nghiệm mới mẻ như đi quyền Vovinam tại võ đường, chơi nhạc cụ dân tộc như nghệ sĩ chuyên nghiệp hay học nhiều kinh nghiệm mới mẻ qua việc tự tổ chức sự kiện tại trường.
Vovinam
Tại ĐH FPT, Vovinam là môn giáo dục thể chất mà 100% sinh viên cần hoàn thành. Bước vào năm nhất, sinh viên khoác lên mình bộ võ phục xanh hoà bình truyền thống của bộ môn, làm lễ nhập môn Vovinam và bước vào luyện tập những đường quyền cơ bản nhất. Những sinh viên có tố chất được các thầy bộ môn và câu lạc bộ Vovinam bồi dưỡng, phát triển những kỹ thuật khó hơn như đối kháng, biểu diễn với đao hoặc côn.
Đạt lam đai 2 và qua môn là hoàn thành, nhưng với nhiều sinh viên ĐH FPT, khoác lên mình bộ võ phục xanh hoà bình còn là đam mê. Tập ở võ đường chưa đủ, các bạn tự mở câu lạc bộ Vovinam, luyện tập sau giờ học trên những thảm cỏ đồi thông mướt mắt hay tầng thượng toà nhà 7 tầng lộng gió. Trường cũng tổ chức giải thi đấu Vovinam mang tên “Võ Việt tranh hùng đoạt cóc vương”. Nhiều sinh viên đại diện trường thi đấu đã đạt giải cao tại “Giải vô địch Vovinam học sinh – sinh viên toàn quốc”.
Năm 2018, hơn 8.000 sinh viên cùng đồng diễn Vovinam, thiết lập kỷ lục “Võ đường Vovinam lớn nhất Việt Nam” tại các cơ sở ĐH FPT toàn quốc. Học tập tại trường, mỗi ngày sinh viên được đi quyền, luyện võ tại “Võ đường lớn nhất Việt Nam”.
Nhạc cụ dân tộc
Từ năm nhất, sinh viên ĐH FPT được học bộ môn nhạc cụ dân tộc trong chương trình chính khoá. Sinh viên có thể lựa chọn nhạc cụ mình yêu thích để theo học: Sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống. Mỗi lớp học có tối đa 15 sinh viên. Mỗi môn học gồm 60 tiết chia làm 30 buổi theo khung chương trình của trường.
Sau khi hoàn thành bộ môn, sinh viên sẽ có kiến thức cơ bản về nhạc cụ và âm nhạc truyền thống. Với nhiều bạn, nhạc cụ dân tộc trở thành đam mê, món quà tinh thần giàu ý nghĩa. Các bạn tự thành lập một câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, cùng nhau đàn hát ở nhiều sự kiện, hoạt động ngoại khoá. Ở các buổi lễ quan trọng như khai giảng, tốt nghiệp, tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc với sự kết hợp của sinh viên và giảng viên bộ môn đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu của ĐH FPT.
Tổ chức sự kiện
Mỗi năm, ĐH FPT diễn ra nhiều sự kiện lớn nhỏ với sự tham gia của hàng nghìn thành viên thuộc hơn 30 CLB khác nhau. Mỗi CLB đều có những sự kiện riêng như tuyển thành viên mới, sinh nhật câu lạc bộ… Một số CLB có hoạt động thường niên nổi bật như Du ca, Guitar go của CLB Guitar, Võ Vương của CLB Vovinam… Ở quy mô trường, F-Camp – ngày hội đón tân sinh viên, Tết dân gian, đại nhạc hội đón những ca sĩ “hot” như Sơn Tùng M-TP, Min… đều có sự góp sức của sinh viên trường.
Ngoài sự hỗ trợ từ thầy cô, cán bộ nhà trường, hầu hết hoạt động sự kiện do sinh viên trường đảm nhiệm công tác tổ chức chính. Từng kế hoạch được lên chi tiết, tự tay thiết kế in ấn các ấn phẩm truyền thông, tự làm đạo cụ trong trò chơi…, mỗi công việc dù nhỏ nhưng đều là những bài học thực tế bổ ích cho sinh viên. Kinh nghiệm thu được từ những việc nhỏ này không nhỏ chút nào. Trường có danh hiệu “Cóc phong trào” để vinh danh những cá nhân hoạt động phong trào xuất sắc, vinh dự không kém danh hiệu sinh viên giỏi.
“Trải nghiệm làm leader giúp mình học cách thu vén mọi việc, lắng nghe, thấu hiểu mọi người xung quanh và trưởng thành hơn”, Kiều Oanh (cựu sinh viên K11, ĐH FPT) chia sẻ về quãng thời gian tham gia tổ chức sự kiện ở trường.
Có thể nói, những bộ môn đặc biệt đã trở thành điểm nhấn cho chương trình đào tạo của ĐH FPT, mang đến những trải nghiệm học tập mới lạ với các bạn trẻ.
Theo Zingnews