Triển khai dạy và học theo phương pháp Constructivism trong bối cảnh học trực tuyến vừa là thách thức vừa là cơ hội để thầy trò ĐH FPT thể hiện khả năng thích ứng, sẵn sàng chuyển đổi, tạo hiệu quả học tập nhất.
Theo mô hình dạy học Constructivism tại ĐH FPT, các giảng viên sẽ nghiên cứu và đưa ra một bộ câu hỏi kiến tạo để sinh viên đọc hiểu, nghiên cứu và chuẩn bị câu trả lời. Đến giờ học, cả lớp sẽ trao đổi xung quanh những câu hỏi này. Sinh viên đưa ra các quan điểm, lý lẽ, minh chứng dựa trên kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Giảng viên đóng vai trò người hướng dẫn, đưa ra các “keyword” khái quát vấn đề.
Bản chất là trao đổi dựa trên bộ câu hỏi kiến tạo nên việc dạy và học Constructivism đòi hỏi phải có sự tương tác thường xuyên giữa giảng viên và sinh viên. Thầy Hồ Hải (giảng viên ĐH FPT TP.HCM) cho rằng nếu dạy và học offline, giảng viên có thể dễ dàng hướng dẫn, trao đổi từng bước, thậm chí đến trực tiếp từng nhóm để quan sát xem sinh viên teamwork thế nào thì khi học online, giảng viên sẽ bị hạn chế việc theo sát quá trình, sự tương tác cũng gặp phải giới hạn.
Để khắc phục, giải pháp của nhiều giảng viên ĐH FPT đó là tận dụng chính công nghệ – thế mạnh của nền tảng học online để tháo gỡ những vấn đề khó khăn về tương tác. “Các nhóm sinh viên thường có hội nhóm riêng trên mạng xã hội, tạo Google meet để tiện trao đổi với nhau hơn, tuy nhiên giảng viên không thể cùng lúc tham gia hết được với các bạn. Do đó, mình có thể gợi ý sinh viên chia sẻ ý kiến thông qua một file doc trên Google drive, khi đó giảng viên sẽ dễ dàng quan sát được bạn A đóng góp ý kiến thế này, bạn B phản biện như kia… Cả nhóm cũng dễ dàng tổng hợp lại ý kiến của các thành viên dựa trên file này, sau đó đưa lên Edunext” – Thầy Hồ Hải cho biết.
Triển khai dạy môn Thương mại điện tử theo phương pháp Constructivism giữa bối cảnh học trực tuyến, thầy Trần Thanh Nguyên (giảng viên ĐH FPT TP.HCM) cho rằng bên cạnh sự hạn chế về vấn đề tương tác, sinh viên do hạn chế đi lại mùa dịch còn gặp khó trong việc tìm kiếm, mượn tài liệu tại thư viện trường. Nhưng thay vào đó, các bạn có thể tận dụng nguồn tài nguyên phong phú trên Internet để tìm kiếm và chọn lọc thông tin, chia sẻ và cùng thảo luận với các thành viên khác trong nhóm về thông tin thú vị mà mình tìm được.
Ngoài ra, để tăng sự tương tác giữa các sinh viên dù là trong lớp học trực tuyến, bí quyết của thầy Đạt Anh (giảng viên ĐH FPT Cần Thơ) đó là thiết kế bộ câu hỏi kiến tạo với những câu hỏi mở, mang tính tranh biện cao, tạo ra nhiều góc độ để sinh viên bày tỏ quan điểm và cùng thảo luận. “Áp dụng Constructivism cho môn Kinh tế vi mô, bên cạnh bộ câu hỏi kiến tạo thì mình cũng thường dẫn các ví dụ, trường hợp trong thực tế vào và giải thích tại sao để khơi gợi hứng thú học tập cho các bạn sinh viên” – Thầy Đạt Anh chia sẻ.
Thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống vốn đã khó, triển khai trong bối cảnh học trực tuyến như hiện tại lại càng khó hơn. Đón nhận thách thức gấp hai tuy nhiên với sự nhiệt tình, linh hoạt và sáng tạo, thầy trò ĐH FPT vẫn có thể triển khai hiệu quả thuyết kiến tạo Constructivism. Khắc phục lối truyền thụ một chiều, khuôn sáo và hướng tới rèn luyện cho sinh viên nhiều kỹ năng như: tự học, phản biện, làm việc nhóm, thuyết trình, hợp tác…, phương pháp Constructivism sẽ góp phần cung cấp những hành trang tốt nhất, tạo nên những kỹ năng cốt lõi của công dân thế kỷ 21 cho sinh viên ĐH FPT.
Theo FPT Edu