SV CNTT Đại học FPT sáng lập dự án dạy học kết hợp thực tế ảo tăng cường

Với mong muốn giảm bớt sự khô khan, nhàm chán của các kiến thức trong sách giáo khoa, nam sinh Võ Nguyễn Đình Trí SV ĐH FPT đã cùng bạn triển khai ý tưởng về một cuốn sách ứng dụng công nghệ thực tế ảo, giúp việc học trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.

“Tri thức trẻ” tuổi 18

Khi được xướng tên lên với tư cách là chủ nhân của 1 trong 5 giải Nhất cuộc thi Tri thức trẻ vì Giáo dục năm 2019, Võ Nguyễn Đình Trí và người bạn Nguyễn Quang Đức mới vừa bước vào năm nhất đại học. Sản phẩm của đôi bạn trẻ là dự án REBO – sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường.

“Học trong lớp ban A (Toán – Lý – Hóa), em nhận thấy rất nhiều bạn cùng lớp có tâm lý xem nhẹ các môn Sinh học, Địa lý… vì coi đó là môn phụ. Các bạn học chỉ để không bị “điểm khống chế” chứ không phải vì niềm yêu thích nên việc học rất khổ sở, lại dễ chán. Lúc này, em và Đức đang nằm trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật của trường. Chúng em bàn với nhau phải làm điều gì đó để giúp giải quyết tình trạng này” – Trí chia sẻ về điểm xuất phát của dự án REBO.

Võ Nguyễn Đình Trí (bên phải ảnh) cùng bạn tham gia một sân chơi CNTT.

Nghĩ là làm, Trí và bạn bắt tay vào thiết kế lại cuốn sách giáo khoa Sinh học 10 theo hướng sinh động và hấp dẫn hơn. Đó cũng là giai đoạn cả 2 đang chuẩn bị cho kỳ thì THPT Quốc gia nên áp lực càng lớn. Chuyện thức thâu đêm để làm sản phẩm trở thành việc thường kỳ, đến mức khi nhớ lại, Trí phải gọi đó là “quá trình làm việc điên rồ”.

“Cái khó nhất là phải biên soạn nội dung quyển sách thế nào cho hay, ngoài ra phải cập nhật thêm các kiến thức mới. Trong khi đó, ứng dụng thực tế ảo (AR) cũng phải được thiết kế sao cho người dùng không… nhanh chán. Em cũng rút ra được bài học: để làm các sản phẩm trong mảng giáo dục, cần phải nắm rõ tâm lý của các bạn học sinh, từ đó mới có định hướng đúng” – nam sinh 10X khẳng định.

Sau 3 tháng miệt mài vừa ôn thi, vừa làm việc, cuối cùng sản phẩm đã thành hình. Quyển sách được biên soạn theo chuẩn kiến thức sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT với tổng cộng 3 chương, 6 bài học, mỗi bài tương ứng 10 thẻ bài AR card. Bộ thẻ bài AR card được thiết kế để hiển thị hình ảnh 3D khi sử dụng ứng dụng và có màu sắc tương ứng với bài học. Ngoài chức năng hiển thị hình ảnh đơn, người học có thể ghép các thẻ bài theo kiến thức để tạo thành hình ảnh 3D chuẩn.

Sản phẩm REBO trưng bày tại Triển lãm Google I/O Extended 2019.

Bên cạnh đó, các đơn vị kiến thức cũng được trình bày cô đọng, súc tích theo các hình thức infographics, sơ đồ tư duy để học sinh tiếp thu kiến thức một cách hứng thú, dễ học, dễ nhớ…

Không chỉ giành giải Nhất tại cuộc thi Tri thức trẻ vì Giáo dục, dự án REBO của Võ Nguyễn Đình Trí và bạn còn xuất sắc chiếm đỉnh bảng tại kỳ thi Tin học trẻ TP. Đà Nẵng năm 2019; đồng thời lọt top 15 sản phẩm tiêu biểu trưng bày trong Triển lãm Google I/O Extended 2019.

Niềm đam mê bất tận dành cho công nghệ

Những giải thưởng với dự án REBO dù đều danh giá nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Trí đã đạt được, làm được trong suốt thời gian học phổ thông. Sớm nhận ra niềm đam mê công nghệ của bản thân, Trí đã bắt đầu mày mò tham gia các cuộc thi lập trình từ năm lớp 9. Vào lớp 10, cậu mày mò tìm hiểu về chatbot trên Facebook Messenger và tự thiết kế nên ứng dụng Phan Châu Trinh Strangers để kết nối, trò chuyện với người lạ trong trường. Ứng dụng này đã nhanh chóng phát triển ở nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Có lúc, đội ngũ vận hành mạng lưới lên tới 30 người.

Nhờ hiểu biết về công nghệ, Trí tích cực vận dụng các kiến thức mình có vào việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp. Chàng trai trẻ này đã từng lọt top 50 của cuộc thi Young Makers Vietnam năm 2017, Giải Nhì cuộc thi Ươm mầm khởi nghiệp Ecofest năm 2018, lọt top 5 cuộc thi U-Invent năm 2018, là đội trưởng đội thi của Trường ĐH FPT phân hiệu Đà Nẵng tại chung kết FPT Edu Hackathon 2019…

Võ Nguyễn Đình Trí cùng các bạn trong đội thi của trường ĐH FPT Đà Nẵng tại chung kết FPT Edu Hackathon 2019.

Giàu thành tích là vậy, nhưng đã có những lúc Trí cảm thấy quá khó khăn khi theo đuổi đam mê của mình. Lúc nộp hồ sơ thi ĐH, ba mẹ muốn Trí thi Sư phạm tiếng Anh hoặc Y – Dược, nhưng cuối cùng chàng trai trẻ lại quyết định “nghe theo con tim”, chọn chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm ở Trường ĐH FPT. Bố mẹ biết tin, buồn suốt mấy tháng liền khiến Trí cũng lo lắng. Tuy nhiên, qua thời gian, cậu đã chứng tỏ được sự lựa chọn của bản thân là hoàn toàn đúng đắn nhờ vào thái độ học tập và rèn luyện tích cực. Ba mẹ Trí cũng chuyển sang đồng thuận và ủng hộ Trí đi theo ước mơ của mình.

“Qua tìm hiểu, em được biết sinh viên Trường ĐH FPT có nhiều cơ hội tham gia các sự kiện, chương trình, cuộc thi, workshop liên quan đến lập trình ứng dụng ngay từ năm nhất. Điều đó sẽ giúp em có lợi thế để phát huy đam mê, thế mạnh của bản thân mình. Bởi vậy với em đây là một quyết định đúng đắn” – Trí khẳng định.

Theo Dantri.vn

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM