“Nhà mình” – Ứng dụng gắn kết và chia sẻ cảm xúc của các thành viên trong gia đình được Đặng Minh Phương và Bùi Đức Quân (Ngành Thiết kế Mỹ thuật số, ĐH FPT Đà Nẵng) trình diện thành công trước hội đồng khóa luận.
“Nhà mình” – công cụ giải bày tâm tư của sinh viên xa quê
Thấu hiểu được một phần nỗi lòng của sinh viên khi học tập xa quê, Phương và Quân đã nung nấu từ lâu về một đề tài có thể góp phần gì đó cho xã hội, mang tính năng chữa lành. Bên cạnh đó, hiện nay không ít gia đình đang để thiết bị công nghệ và internet lấn sâu, làm gia tăng khoảng cách giữa các thành viên. “Nhà mình”, ứng dụng kết hợp giữa đồ họa và công nghệ hình thành từ đó. Cũng tương tự câu nói “Người chuyển núi bắt đầu bằng việc dỡ những hòn đá nhỏ”, hai “Cóc” nhà F đã lượm nhặt các ý tưởng liên tục, rút ra kết luận tự bài khảo sát, nghiên cứu tạo nên ứng dụng không dừng lại là đề tài khóa luận.
Là đề tài “bình cũ rượu mới”, “Nhà mình” là sự kết hợp ăn ý giữa những nét vẽ có hồn với dòng code khô khan. Đề tài khóa luận tốt nghiệp của 2 sinh viên ngành Thiết kế Mỹ thuật số nhà F thể hiện được giá trị nhân văn của cuộc sống, giá trị của mỹ thuật thiết kế và giá trị của kỹ thuật phần mềm,… Với xuất phát điểm khá mơ hồ nhưng cả Phương và Quân đều xác định rõ mục tiêu cốt lõi của ứng dụng là để gắn kết thành viên với nhau, tạo điều kiện không gian sinh hoạt trên ứng dụng để từ đó giúp mọi người hiểu nhau, mở lòng chia sẻ cảm xúc với nhau hơn.
Với tính ứng dụng khá cao theo hội đồng khóa luận, “Nhà mình” hướng tới mọi người dùng, là thành viên trong mỗi gia đình có nhu cầu kết nối cũng như muốn bày tỏ chia sẻ cảm xúc với người thân.
Sinh viên đồ họa “vẽ” ứng dụng công nghệ
Không gian sinh hoạt trên trang Quây Quần thu nhỏ trên smartphone nhưng không hẳn vì thế mà mất đi tính kết nối đời thực. Ứng dụng đưa ra những thử thách để các thành viên “xích” gần nhau hơn như nấu ăn cùng nhau, game đoán sở thích, tính cách của nhau thông qua những tấm ảnh, câu hỏi vui sau mỗi bữa ăn,…. Trong khi đó, trang “Thấu hiểu” lại mang tới sự đồng cảm bằng phương pháp “Mood tracker” – ghi lại và theo dõi cảm xúc. Từ bộn bề của cuộc sống mà tạo ra những áp lực, User của “Nhà mình” có các chế độ có thể thấy được những mệt mỏi của thành viên khác trong gia đình, từ đó an ủi, động viên cùng nhau vượt qua. Và đây cũng chính là điểm tâm đắc của hai chàng sinh viên đồ họa nhà F trong đề tài khóa luận lần này.
Theo cá nhân Minh Phương, hai chi tiết nhỏ trên còn vượt qua cả đồ án. Bởi trong sau khi khảo sát các thành viên trong gia đình mình, “Quây quần” và “Thấu hiểu” như là hai phần nhỏ gián tiếp cởi bỏ nút thắt trong lòng của Minh Phương đang gặp phải.
Nhận được nhiều ý kiến mang tính xây dựng cao từ hội đồng khóa luận và sự đồng cảm về thông điệp, cảm xúc muốn lan tỏa, Phương và Quân đã hoàn thiện khá xuất sắc mặc dù gặp nhiều khó khăn. Là đồ án khóa luận ngành đồ họa, “Nhà mình” ưu tiên tính thẩm mỹ cao nhưng để ứng dụng được chạy thành công còn đòi nhiều yếu tố. Từ thiết kế giao diện đồ họa đến lập trình, điều này nằm ngoài khả năng của sinh viên ngành Thiết kế Mỹ thuật số. Bên cạnh đó, cái nhìn về thẩm mỹ khác nhau tạo nên ít nhiều sự bất đồng trong việc vẽ ra nhân vật. “Gia đình là nơi ta trở về sau một ngày mệt mỏi” là thông điệp hai designer tương lại muốn truyền tải.
Bội Nhiên