Sinh viên ĐH FPT đang học Constructivism như thế nào?

Làm quen với phương pháp học kiến tạo, sinh viên ĐH FPT hào hứng với việc tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức, làm quen với nền tảng EduNext và không ngại tranh luận để làm rõ vấn đề.

Chủ động tìm hiểu kiến thức

Thay vì “đến tiết mới biết học bài gì”, khi phương pháp học kiến tạo được đưa vào áp dụng tại ĐH FPT từ kỳ Summer 2021, sinh viên học tập theo phương pháp này đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức trước khi lên lớp. Được giảng viên giới thiệu sơ lược về nội dung cần tìm hiểu, cùng với bộ câu hỏi kiến tạo mang tính chất “gợi mở”, sinh viên ĐH FPT thông qua Internet, sách báo, các phương tiện truyền thông và cả trải nghiệm thực tế của bản thân, tự tìm hiểu để có hình dung khái quát về bài học.

Nguyên Thảo (sinh viên K15, ngành Thiết kế đồ họa) chia sẻ: “Thường mình sẽ lên mạng, search về chủ đề mà cô giáo đưa ra, tìm kiếm thông tin, hình ảnh xung quanh nó. Sau đó, dựa vào các câu hỏi kiến tạo, mình tự đưa ra một vài ý kiến cá nhân, có thể là cả những câu hỏi mình còn đăng thắc mắc để lên lớp trao đổi với thầy cô và các bạn tiếp. Nhưng, ở một mức độ nào đó mình thấy bản thân đã có hình dung nhất định về điều mình đang tìm hiểu ngay khi tự nghiên cứu.”

Làm quen với nền tảng công nghệ

Sinh viên ĐH FPT học kiến tạo trên nền tảng EduNext.

Sinh viên ĐH FPT học kiến tạo trên nền tảng EduNext. Với yêu cầu người học cần trao đổi, tương tác liên tục với giảng viên và các thành viên khác trong lớp, nhất là trong bối cảnh học online, EduNext phát triển thêm nhiều tính năng và công cụ hỗ trợ tương tác. Nền tảng cho phép tạo ra các “lớp nhóm học tấp” có thể trao đổi với nhau qua tin nhắn hoặc video trực tuyến song song. Giảng viên cũng có thể lựa chọn livestream giảng dạy và tương tác cùng lúc với số lượng lớn sinh viên. Các tính năng khác như đánh giá chéo, phát hiện chuyên gia, tích hợp học liệu… hỗ trợ sinh viên ĐH FPT trong bước đầu làm quen với phương pháp.

Dù một số sinh viên còn gặp khó khăn khi làm quen với nền tảng EduNext trong những buổi học kiến tạo đầu tiên nhưng đa phần đều nhanh chóng phát huy được trải nghiệm công nghệ mới mẻ này. Phạm Phú (sinh viên K16, ngành Kỹ thuật phần mềm) cho biết: “Mình thấy sử dụng EduNext khá dễ dàng. Khi đã quen với nó rồi thì giờ học kiến tạo trở nên khá vui. Các thành viên trong lớp có thể chủ động trao đổi, đánh giá chéo lẫn nhau, tranh luận để hiểu bài lâu hơn.”

Không ngại trao đổi, phản biện vấn đề

Một giờ học kiến tạo được thực hiện bằng cách thức trực tuyến của sinh viên ĐH FPT.

Một trong những đặc trưng của phương pháp học kiến tạo đó là quá trình tương tác, trao đổi giữa sinh viên với nhau và với giảng viên. Càng có nhiều thảo luận, phản biện lẫn nhau, sự kiến tạo kiến thức càng sâu sắc và người học càng lĩnh hội được nhiều giá trị do chính mình và cộng đồng học tập của mình tạo nên. Ở môi trường tôn trọng cá tính cá nhân như ĐH FPT, sinh viên có lẽ không còn xa lạ với việc thảo luận, phản biện trong giờ học thậm chí có nhiều bạn cho đó là nét thú vị, mang đến “gia vị” hào hứng cho việc học.

Phạm Phú chia sẻ, bản thân thích tranh luận về kiến thức với bạn bè nên khi được thoải mái thể hiện quan điểm của mình trong giờ học kiến tạo, Phú vui và hào hứng. Kỳ này, nam sinh học kiến tạo với 2 môn là Hệ điều hành và Lập trình hướng đối tượng sử dụng Java. Theo Phú, đó đều là những môn có phần lý thuyết trừu tượng, “khô như ngói”, khó tiếp thu nếu học theo cách thầy giảng – trò nghe. “Việc trao đổi, tranh luận với các thành viên khác trong lớp có thể làm rõ kiến thức, giúp mình biết được thêm nhiều thông tin liên quan. Sau đó, thầy cô sẽ hỗ trợ chúng mình hệ thống và chuẩn hóa kiến thức.” Phú chia sẻ.

Theo FPT Edu

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM