Tham gia sự kiện lớn bé ở trường không phải ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’ mà đó là cơ hội để sinh viên ĐH FPT ‘giắt túi’ những kỹ năng hữu ích, áp dụng được khối thứ trong cuộc sống, công việc sau này.
Sẵn sàng ứng biến trong mọi tình huống
Đảm nhận chân hậu cần trong một sự kiện câu lạc bộ, Thanh Trúc (ĐH FPT Hà Nội) hào hứng với ý tưởng thi kéo co. Vậy nhưng, sát giờ diễn ra, Thanh Trúc mới hốt hoảng phát hiện ra ‘quên dây mất rồi’. Hỏi mấy cửa hàng gần trường không đâu bán, Trúc vận dụng mọi mối quan hệ mượn bằng được một cái dây. Phi xe máy hơn chục cây số, lòng vòng tìm đường, vận dụng kỹ năng tra Google map và hỏi người dân xung quanh, sau hơn 1 tiếng, Trúc cũng mượn được dây cho sự kiện của mình.
Cái giá phải trả là Trúc bị một phen hết hồn và muộn giờ vào học. Tuy vậy, sự kiện đã diễn ra tốt đẹp. Sau lần đó, Trúc tự nhắc mình luôn cẩn thận, tỉ mỉ kiểm tra các công đoạn chuẩn bị trước sự kiện. Cô bạn hóm hỉnh chia sẻ rằng, những lần ứng biến như vậy tuy có hơi thót tim nhưng khiến Trúc rèn luyện được một số kỹ năng hay ho: sự bình tĩnh, tận dụng tiện ích công nghệ, linh hoạt thay đổi phương án tùy vào thực tế miễn là đạt được kết quả.
Thái độ nhiều khi quan trọng hơn trình độ
Nhiều bạn trẻ cho rằng phải thật giỏi mới dám thể hiện khả năng trước mọi người. Đức Toàn (ĐH FPT Hà Nội) lại không nghĩ thế. Mới vào năm nhất, sẵn đam mê hoạt động sự kiện trong người, dù chưa có nhiều kinh nghiệm, Toàn vẫn mạnh dạn đăng ký thành viên của vài CLB, cùng các anh chị khóa trên tham gia tổ chức hoạt động nọ, ngày hội kia. Ở mỗi sự kiện, Toàn được giao đảm nhiệm một vai trò, dần dần thành ‘cái gì cũng biết làm’, đa-zi-năng.
Trong một sự kiện du ca của CLB Guitar, Toàn ‘quẩy’ cực nhiệt tình. Hệ quả là cổ họng của anh chàng đau rát. Nhưng ‘đau’ hơn cả là ngay ngày hôm sau, Toàn tiếp tục một tiết mục biểu diễn kỷ niệm sinh nhật CLB. Nhiều bạn trẻ rơi vào tình huống như Toàn có lẽ sẽ bỏ cuộc nhưng anh chàng đã nhận thì phải làm. Toàn cố gắng luyện tập tiết mục lại cho phù hợp với chất giọng hiện tại. Được đồng đội cho ngậm thêm chanh muối trước khi lên sân khấu, anh chàng hoàn tất tiết mục của mình.
Sự cố khiến Toàn thấm thía thái độ làm việc chuyên nghiệp, không chỉ hết mình trong một sự kiện mà còn phải tính đường dài không chỉ cần thiết ở môi trường làm việc mà thể hiện ngay ở các sự kiện sinh viên. Nhưng, qua lần này, Toàn lại thấy may mắn khi cảm nhận được tình cảm của bạn bè dành cho mình và những nỗ lực, thái độ tích cực của nam sinh ĐH FPT đã có kết quả xứng đáng.
Biết người, biết ta
Học năm thứ 3, ĐH FPT Đà Nẵng, Phúc Diễm bắt đầu quan tâm đến các thông tin về nghề nghiệp. Nữ sinh dành thời gian tham gia các talkshow, workshop, sự kiện tham quan doanh nghiệp và trải nghiệm ngành nghề do trường tổ chức. “Trải nghiệm chân thực từ các hoạt động sự kiện ở ĐH FPT giúp mình hiểu nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đối với cử nhân ra trường là gì. Mình có thể áp dụng được những kiến thức, kỹ năng đã học vào công việc như thế nào.” Phúc Diễm chia sẻ.
Giàu trải nghiệm sự kiện, hoạt động sinh viên, Phúc Diễm cảm nhận bản thân học hỏi được từ thầy cô, bạn bè, có thêm các mối quan hệ hữu ích và rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm. “Đó là ưu thế của mình so với một số bạn bè khác”, nữ sinh cho biết. Hành trang đó khiến Phúc Diễm cũng như nhiều sinh viên ĐH FPT có thể tự tin lựa chọn công việc mình yêu thích sau khi ra trường.
Tuy vậy, biết người, biết ta, từ trải nghiệm thực tế về thị trường lao động hiện nay Diễm cho rằng ‘chọn việc’ cũng cần phù hợp với năng lực bản thân: “Bản thân phải tìm hiểu kỹ, xác định yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân sự, xem xét mình có đủ khả năng đáp ứng hay không, có thực sự yêu thích công việc này hay không. Như vậy, lựa chọn của mình mới phù hợp với bản thân và mình mới có thể theo đuổi công việc lâu dài, làm việc một cách hiệu quả”, nữ sinh ĐH FPT chia sẻ kinh nghiệm.