Sinh viên Thiết kế đồ họa, ĐH FPT lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích, văn thơ Việt Nam để sáng tạo những mẫu typography nghệ thuật, giàu ý nghĩa. Sản phẩm còn được trưng bày trong một triển lãm nho nhỏ của riêng các bạn, lan tỏa cảm hứng trải nghiệm nghề đồ họa thật khác.
Chữ cũng có thể “biểu cảm”
Typography thường được hiểu là nghệ thuật chữ trong thiết kế đồ họa. Sinh viên ngành Thiết kế đồ họa ở ĐH FPT học về typography, nhưng không đơn thuần là những sản phẩm thiết kế khô cứng, công nghiệp. “Typography không chỉ kể chuyện bằng câu từ mà còn bằng những hình ảnh đưa vào chữ, biểu cảm của chữ.” – Cô Cao Diệu Linh (Giảng viên Thiết kế đồ họa, ĐH FPT) chia sẻ.
Với quan niệm đó, cô Diệu Linh và các sinh viên của mình đã biến những giờ học thiết kế typography bình thường trở thành trải nghiệm mới mẻ bằng cách đưa cảm hứng văn học Việt Nam vào thiết kế. Bởi, những câu chuyện cổ tích hay những áng văn thơ chứa đựng nhiều thông điệp, triết lý về cuộc sống, mở ra không gian sáng tạo tự do cho sinh viên để tạo nên được những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Làm sản phẩm thực hành thiết kế chữ cái trang trí (Dropcap), sinh viên ĐH FPT lấy cảm hứng từ bài thơ Qua Đèo ngang (Bà Huyện Thanh Quan), dùng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, cỏ cây hoa lá để “typo” nên chữ Q. Một sinh viên khác chọn hình ảnh nông dân áo nâu sòng, an nhiên ngồi thuyền trên sông, lá trúc rũ la đà khi “typo” chữ T với cảm hứng từ bài thơ Thu Điếu (Nguyễn Khuyến). Ngoài ra, một số sinh viên còn sáng tạo nên sản phẩm chữ chuyển động trên lời một bài hát (Kinetic). Những “hit” của các ca sĩ như Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu… được các bạn sử dụng tạo nên tác phẩm kết hợp cả ấn tượng thị giác và thính giác.
“Lên trình” nhờ trải nghiệm học lạ
Những bài học thiết kế typography lấy cảm hứng từ văn học hay kết hợp âm nhạc với chuyển động của chữ là trải nghiệm học mới lạ, đòi hỏi nhiều kỹ năng ở sinh viên. “Bài thực hành Dropcap không giới hạn chất liệu thể hiện. Sinh viên có thể dùng màu nước, màu chì hay màu dạ Maker để vẽ trên giấy nhưng bắt buộc phải vẽ tay.” Cô Diệu Linh cho biết.
Còn đối với bài tập typography chuyển động trên nền nhạc, sinh viên ĐH FPT phải vận dụng khá nhiều kỹ năng mới có thể hoàn thành được. Theo cô Linh: “Các bạn tạo hình chữ trên máy tính hoặc dùng bảng vẽ Wacom, sau đó sử dụng các phần mềm đồ họa khác để tạo ra chuyển động, ghép nhạc. Như vậy, ít nhất sinh viên phải sử dụng được 2 phần mềm đồ họa trở lên mới có thể hoàn tất bài tập này.”
Cách học thiết kế đồ họa sáng tạo này truyền cảm hứng mới mẻ đến cho sinh viên. Các bạn cũng có hội học hỏi những xu hướng nghệ thuật mới, trau dồi kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành. “Mình được rèn luyện kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Cô giáo hướng dẫn chúng mình tận tình lắm, có khi đến tận nửa đêm cô trò vẫn trao đổi qua chat, email với nhau.” – Thảo Phạm (sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, ĐH FPT) chia sẻ.
Những tác phẩm typography ấn tượng được Thảo cùng các bạn sinh viên trong lớp triển lãm trong một không gian nhỏ nhắn nhưng đầy tính nghệ thuật. “Mình tham gia vào BTC triển lãm ‘Giai điệu ngôn từ’. Được thiết kế và triển lãm tác phẩm của chính mình khiến mình và nhiều bạn có thêm hứng thú, động lực học tập. Đây cũng là cơ hội để chúng mình giao lưu, học hỏi về ngành nghề từ các thầy cô và bạn bè khác.” – Thảo cho biết thêm.
Ở ĐH FPT, ngành Thiết kế đồ họa không chỉ là những lớp học dạy dùng tool hay làm ra những sản phẩm công nghiệp khô khan. Cảm hứng từ những giờ học thiết kế độc lạ như thế này là trải nghiệm để sinh viên hiểu hơn về nghề, về những xu thế thiết kế hiện đại, giàu giá trị nghệ thuật và hữu dụng hiện nay. Qua đó, các bạn có định hướng tích lũy kiến thức, kỹ năng đặc biệt là khả năng tư duy và tri thức ngành gốc. “Tất cả những yếu tố đó đều cần thiết để sinh viên ra trường làm tốt công việc trong ngành Thiết kế đồ họa.” – Cô Diệu Linh chia sẻ.
Theo Kênh14