Wifi phủ sóng toàn học xá, chuyển đổi số ở khắp nơi, đi dăm bước gặp 1 người bạn quốc tế vậy mà sinh viên ĐH FPT vẫn đồng thời lên lớp học Việt Võ Đạo – Vovinam và nhạc cụ dân tộc. Trải nghiệm này khiến ĐH FPT vừa 4.0 vừa đậm đà văn hóa dân tộc trong cảm nhận của người học gen Z.
Học võ do người Việt sáng lập
Ở ĐH FPT, Vovinam – bộ môn võ thuật do người Việt sáng lập là môn thể chất chính thức, 100% sinh viên phải hoàn thành. Vậy nên, dễ dàng thấy cảnh phút trước còn đang miệt mài gõ code, ‘bắn’ về AI, IoT như gió, phút sau sinh viên ĐH FPT đã diện võ phục xanh truyền thống, bước vào võ đường.
Từ năm nhất, sinh viên ĐH FPT đã luyện tập Vovinam. Các bạn được tham gia cả lễ nhập môn dành cho các tân môn sinh đúng như truyền thống. Bắt đầu từ việc học cách nghiêm lễ, học thế đứng tấn đến những đường quyền cơ bản đầu tiên cho đúng, sinh viên dần dần được làm quen với những kỹ thuật khó hơn như biểu diễn với binh khí, đối kháng, tự vệ.
Với sinh viên trường khác, môn giáo dục thể chất dường như chẳng mấy thú vị để dành nhiều thời gian, tâm sức cho nó. Với sinh viên ĐH FPT, đạt lam đai 2, các bạn có thể qua môn Vovinam. Nhưng, trải nghiệm môn võ truyền thống dân tộc với triết lý võ đạo vị nhân sinh đã trở thành đam mê của nhiều bạn. Tập trên lớp chưa đủ, sinh viên ĐH FPT tự thành lập hẳn 1 CLB Vovinam, hoạt động sôi nổi sau giờ học, ‘đi đường quyền’ ở bất cứ nơi nào có thể: thảm cỏ, đồi thông, sân thượng tòa nhà giảng đường… CLB Vovinam sinh viên ĐH FPT mỗi năm đều tuyển thành viên mới, cùng luyện tập và biểu diễn trong nhiều hoạt động sự kiện của trường.
ĐH FPT có riêng một giải thi đấu Vovinam dành cho sinh viên, nhiều lần là nơi đăng cai giải Vô địch Vovinam sinh viên toàn miền Bắc, toàn quốc. Nhiều sinh viên ĐH FPT đại diện trường thi đấu đạt giải cao tại các sân chơi võ thuật cấp các trường ĐH toàn quốc này. Năm 2018, hơn 8.000 môn sinh Vovinam cùng đồng diễn lập kỷ lục Võ đường Vovinam lớn nhất Việt Nam tại ĐH FPT.
Chơi nhạc cụ truyền thống, hát dân ca
Từ năm 1, sinh viên ĐH FPT đã được học bộ môn nhạc cụ dân tộc trong chương trình chính khóa. Sinh viên có thể chọn học 1 trong các loại nhạc cụ: đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo trúc, trống. Mỗi môn học có 60 tiết, chia thành 30 buổi. Mỗi lớp nhạc cụ dân tộc chỉ có khoảng 15 sinh viên để đảm bảo ai cũng được thực hành, biểu diễn.
Cuối học phần, dễ dàng thấy cảnh sinh viên ĐH FPT – toàn là những bạn trẻ gen Z, diện áo the khăn xếp hay áo dài thướt tha, tay gẩy đàn, tay thổi sáo trông điêu luyện chẳng kém gì nghệ sĩ thực thụ. Sau khi hoàn thành môn học này, sinh viên ĐH FPT có kiến thức cơ bản về nhạc lý và nhạc cụ truyền thống. Nhưng vượt qua cả kỳ vọng của trường, trải nghiệm âm nhạc dân tộc dường như rất được các sinh viên thời 4.0 này yêu thích.
Các bạn tự thành lập một CLB nhạc cụ dân tộc, cùng luyện tập, chia sẻ niềm đam mê âm nhạc, học thêm các loại hình nghệ thuật dân gian: hát xẩm, chèo… để biểu diễn trong các sự kiện sinh viên và hoạt động lớn của trường. ĐH FPT từng có hẳn một liveshow âm nhạc dân tộc do cả sinh viên trường và các nghệ sĩ chuyên nghiệp kết hợp biểu diễn. Có sinh viên ĐH FPT còn biến nhạc cụ dân tộc thành một loại tài năng khi luyện tập để chơi tốt nhiều loại đàn, trình diễn trong show thi tài năng sinh viên đình đám nhất ĐH FPT và giành giải cao.
Những môn học đậm đà tính dân tộc là nét khác lạ ở môi trường hiện đại như ĐH FPT. Giữa những trải nghiệm công nghệ, trải nghiệm xu thế 4.0, sinh viên được hiểu, khám phá và có thêm niềm đam mê với những nét văn hóa truyền thống. Các bộ môn này không chỉ cho sinh viên kiến thức mà còn trở thành một phần kỹ năng độc đáo, giúp các bạn có thể ‘khoe’ tài khi có cơ hội học tập, làm việc ở các quốc gia trên thế giới.
Theo Min Max/Baodatviet.vn