“Gỡ rối” những thắc mắc trước giờ G cùng Quán Quân FPT Edu Biz Talent 2018

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa sẽ tới hạn đóng đơn đăng ký cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2020. Vừa qua, các quán quân FPT Edu Biz Talent 2018 đã có buổi giao lưu ngắn với các “đàn em” để giải đáp thắc mắc về cuộc thi. Và nếu các bạn vẫn còn nút thắt ở đâu đó thì hãy xem ngay bài viết dưới đây để xem Batah Team tháo gỡ chúng như thế nào nhé!

Hỏi: Bí quyết để nhóm tự tin khi đối mặt với BGK là gì ạ?

Hoàng Anh: Trước hết, bạn phải có phong thái tự tin, bỏ qua hết ánh mắt của mọi người để dõng dạc trình bày ý tưởng trên sân khấu. Các bạn có thể mặc suit để tạo ra sự tự tin. khi đã ăn mặc thật là đẹp, có background để người khác nhìn vào không đánh giá được mình, thì các bạn mới thoải mái thể hiện cái tôi được.

Hương Giang: Với Hoàng Anh là ăn mặc đẹp, còn với mình là các đồng đội. Là bạn nữ duy nhất trong Batah Team, các bạn nam đã hỗ trợ mình rất nhiều. Ai cũng có áp lực, lo lắng trong đêm chung kết cả thôi. Mình và các đồng đội phải sát cánh, tự tin để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể.

Hỏi: Ở vòng 1 có yêu cầu làm video giới thiệu sản phẩm. Vậy nên làm video như thế nào để gây ấn tượng với BGK?

Hoàng Anh: Các bạn cần nắm được nội dung BTC muốn mình làm là gì. Khi chiếu video, người xem trong vòng 3-5 phút ấy phải hiểu được mình mang đến sản phẩm gì. Qua đó, người xem có thể nắm bắt và lờ mờ vẽ ra trong đầu mô hình Kinh doanh đó. Theo mình, video không cần quá cầu kỳ, chỉ cần vẽ được bộ khung là đủ. Làm video quá dài, rối rắm, chỉ có hiệu ứng màu mè thì chắc chắn sẽ không hiệu quả.

Nguyên Bảo: Trong video phải giải quyết được 5 câu hỏi: What? (mô hình này là gì?), Why? (Tại sao lại cần có mô hình này?), Who? (Mô hình hướng tới ai?), When? (Khi nào mô hình đi vào hoạt động?) và How? (Làm thế nào để sử dụng sản phẩm?).

Hỏi: Cần lưu ý điều gì khi phát triển ý tưởng từ sơ khai, cơ bản?

Hương Giang: Trong quá trình phát triển ý tưởng, mình luôn luôn phải vận dụng những câu hỏi sản phẩm là gì? tác động đến khách hàng như thế nào? Làm thế nào để tiếp cận khách hàng? Nguồn vốn phát triển ở đâu? Hình thức, phương pháp duy trì mối quan hệ với khách hàng của mình…

Hỏi: Làm thế nào để mọi người cùng giải quyết mâu thuẫn và ý kiến bất đồng của cá nhân với mỗi người trong nhóm?

Nguyên Bảo: Tranh cãi trong làm việc nhóm không hề xấu. Vấn đề là chúng ta tranh cãi như thế nào? Bởi vậy, khi thành lập team các bạn nên đặt ra “rule” cụ thể. Chẩng hạn, khi bất đồng quan điểm thì tranh cãi đó phải mang tính xây dựng, giúp ý tưởng tốt hơn chứ không phải để sản phẩm đi xuống.

Khi những người trong nhóm thấy điểm bất cập thì có thể BGK hay các nhóm khác cũng nhận ra điều đó. Càng nhiều ý kiến thì mình giải quyết được càng nhiều vấn đề. Và tự nhiên việc tranh luận trong nhóm trở thành lợi thế khi đến vòng sau các bạn trả lời phản biện từ các đội khác.

Hỏi: Ý tưởng của nhóm em là kinh doanh về giải pháp công nghệ, nhưng cả team đều học kinh tế. Khó khăn trước mắt bọn em có thể thấy được là không có kiến thức về kỹ thuật. Vậy trong lâu dài đây có thể xem là một bất lợi của nhóm em không ạ?

Hoàng Anh: Cả team của mình dự thi mùa trước đều học kỹ thuật. Thời điểm hiện tại, kinh doanh hay bất kỳ ngành gì đều gắn liền với công nghệ. Rất khó để bóc tách riêng những yếu tố này. Kết hợp công nghệ và kinh doanh là cái thị trường đang cần. Cho nên các bạn kỹ thuật không phải e ngại.

Hỏi: Khi thuyết trình với giám khảo thì có cần nêu ra cơ cấu tổ chức chi tiết không ạ?

Hương Giang: Đây là một cuộc thi về kinh doanh nên BGK sẽ quan tâm đến ý tưởng của mình. Các bạn hãy chú trọng vào sản phẩm và ý nghĩa của sản phẩm mang lại nhiều hơn. Quan trọng nữa là cách truyền đạt sản phẩm tới khách hàng 1 cách tối ưu nhất.

Hỏi: Có cần làm sản phẩm demo không ạ?

Hoàng Anh: Nếu có thể làm demo giao diện sản phẩm thì sẽ là điểm cộng khi BGK và khán giả nhìn được mô hình của mình. Nhưng không có nó cũng hoàn toàn không có vấn đề gì cả.

Hỏi: Bước vào cuộc thi, ngay vòng từ vòng đầu tiên các đội cần để ý điều gì nhất?

Hoàng Anh: Với vai trò là trưởng nhóm nhưng lại là dân kỹ thuật, lúc đầu mình không có nhiều kiến thức nên phải trau dồi rất nhiều. Có kiến thức mới có thể thuyết phục được mọi người. Sang vòng 2, chúng mình được gặp mentor và học hỏi từ các anh chị. Ngoài ra, cả nhóm cũng nhờ thêm mọi người kết nối với các cựu sinh viên từng start-up để nghiên cứu về mô hình kinh doanh.

Nguyên Bảo: Khi tạo nhóm đi thi, các bạn nên nghĩ xa hơn 1 chút. Thay vì chỉ tính vòng 1, thì hãy tính luôn cả vòng 2, thậm chí cả chung kết. Nên tìm 1 thành viên dám nói, dám chia sẻ, thuyết trình rành mạch nhất có thể. Vòng 2,3 đều phải trình bày nên trong nhóm có 1 bạn thuyết trình tốt là lợi thế. Ngoài ra, mình nghĩ các bạn kỹ thuật có thể kết nối với các bạn khối ngành kinh doanh để kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau.

Hỏi: Trong quá trình tìm hiểu về đối thủ trên thị trường, bọn em thấy có quá nhiều lớn, gần như bao trọn những ý tưởng bọn em đã nghĩ ra. Vậy dựa vào đâu tìm kiếm cơ hội tạo ra khác biệt và lợi thế cạnh tranh?

Hoàng Anh: Mình nghĩ các bạn nên đi vào thị trường ngách, nghĩa là những thị trường nhỏ, người ta có nói đến nhưng chưa ai làm sâu cả.

Ngày 20/5 tới đây, FPT Edu Biz Talent 2020 sẽ đóng đơn đăng ký. Vòng chung kết cuộc thi dự kiến diễn ra vào ngày 20/6 tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục FPT ở Khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội. Với sự giúp đỡ từ quán quân mùa đầu tiên, còn ngại gì mà không đăng ký ngay bây giờ để giành lấy cơ hội bước lên bục quán quân của sàn đấu kinh doanh quy mô bậc nhất FPT Edu.

Theo ĐH FPT HN

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM