Giảng viên Đinh Thị Thu Dung – cùng sinh viên Đại học FPT “vang vọng” thanh âm dân tộc  

Gắn bó từ khi bộ môn Nhạc cụ Dân tộc chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy của Đại học FPT Đà Nẵng vào kỳ Fall năm 2020, giảng viên Đàn tranh Đinh Thị Thu Dung không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi sự thân thiện, tận tâm mà còn “đốn tim” sinh viên FUDA bằng niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. 

Nhạc cụ dân tộc là “tình yêu lớn” trong đời 

Trước khi bén duyên với công việc giảng dạy, cô Thu Dung đã từng trải qua những năm tháng học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thế nhưng, có lẽ sẽ ít ai biết được, đam mê đối với Nhạc cụ truyền thống trong cô đã được nảy mầm từ rất sớm. 

Cô Thu Dung lớn lên cùng với tình yêu nghệ thuật dân tộc

Cô Đinh Thị Thu Dung chia sẻ: “Cô sinh ra và lớn lên tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng – nơi có một ngôi trường đặc biệt mang tên SOS, dành cho trẻ em khuyết tật hoặc mồ côi. Lúc còn bé và có dịp đi ngang qua trường, cô đã bị cuốn hút và yêu ngay tiếng đàn tranh mà các em ấy tập luyện. 

Sau đó, cô mạnh dạn ngỏ lời xin phép cô giáo trong trường để được theo học loại nhạc cụ này. Càng được tiếp xúc sâu, cô càng cảm nhận rõ ràng rằng âm nhạc không chỉ là niềm vui mà còn là một “liều thuốc” chữa lành các vết thương lòng cho các em trường SOS. Đây cũng chính là cơ duyên đưa cô gần hơn với bộ môn Nhạc cụ truyền thống và gắn bó cùng cô đến tận bây giờ”.

Giảng viên Thu Dung tại Đại học FPT cũng là một người rất đa tài khi không chỉ có thế mạnh ở đàn Tranh, đàn Bầu… mà còn có chuyên môn ở một số bộ môn nhạc cụ khác như đàn T’rưng, sáo trúc. Cô bày tỏ: “Cô đã có cơ hội được học, được chơi rất nhiều loại nhạc cụ. Đặc biệt, cô vô cùng yêu thích đàn Tranh du dương, đàn Bầu nghĩa tình ấm áp cùng với thanh âm trong trẻo của đàn T’rưng. Cô tin rằng, khi sinh viên biết và chơi được một loại nhạc cụ, các em sẽ có khả năng tự học, tự khám phá thêm về nhiều loại nhạc cụ khác mà bản thân yêu thích.”.

Chân dung nữ giảng viên đa tài có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau

Để thành thạo nhiều loại nhạc cụ, bí quyết của cô Dung chính là không ngừng kiên trì và chẳng ngại khó khăn. Nếu gặp phải một đoạn nhạc có tính chất phức tạp, cô sẽ thường chia nhỏ ra từ 2 đến 3 ô nhịp để luyện tập và cho đến khi quen thuộc rồi mới chuyển sang phần tiếp theo. Dần dần cách làm này đã giúp cho cô hình thành một thói quen tốt và không còn cảm thấy vất vả khi đối diện với các trường hợp tương tự. Cô Thu Dung còn bật mí: “Chỉ cần các em xem nhạc cụ giống như người bạn tri âm, tri kỷ và dành thời gian tìm hiểu mỗi ngày từ 5 đến 10 phút, chắc chắn sẽ sớm chinh phục được “người bạn” của mình thôi.”.

Sáng tạo trong phương pháp dạy học tại Đại học FPT

Những tiết học đàn Tranh của cô Đinh Thị Thu Dung đã để lại trong lòng các khóa sinh viên Đại học FPT biết bao kỷ niệm khó phai. Một trong số đó chính là điểm “like” đặc biệt mà cô dành tặng trong các buổi học. Giảng viên Thu Dung tâm sự: “Có thể các em sinh viên sẽ thường gặp phải stress trong việc chạy deadline hoặc trong cuộc sống nhưng cứ bước vào lớp nhạc và cười thật tươi là đã giành được điểm “like” rồi. 

Việc tặng điểm của cô cũng hướng đến mục đích tạo sự hứng thú trong học tập, khuyến khích sinh viên ngày càng cố gắng luyện đàn và xung phong phát biểu bài nhiều hơn. Không ít em chia sẻ với cô rằng sau mỗi buổi học, ngồi đếm những điểm “like” mà cô tặng, các em cũng đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc.”.

Cô Dung và khoá sinh viên đàn tranh đầu tiên tại Đại học FPT

Trong năm 2021, do sự diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bộ môn Nhạc cụ dân tộc cũng được chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Nhớ lại khoảng thời gian này, cô Thu Dung chia sẻ: “Mặc dù cả cô và học trò đều gặp phải những sự cố không thể tránh khỏi về đường truyền mạng và không được thực hành trực tiếp trên nhạc cụ nhưng mọi người đã cùng nhau cố gắng rất nhiều. Trong thời dài này, cô cũng đã tạo ra những sân chơi thú vị và có cả cuộc thi online dưới hình thức video để các bạn vừa học vừa chơi. 

Bên cạnh đó, sau những buổi học, cô sẽ quay video hướng dẫn chi tiết và gửi lại cho các bạn. Mỗi lần xem là các bạn như được ôn lại cách gảy đàn như thế nào, thế tay ra làm sao. Các bạn cũng sẽ tiến hành quay clip luyện tập và gửi bài cho cô chấm điểm. Nhờ đó mà cô có thể theo dõi sát sao tiến độ của các bạn và kịp thời điều chỉnh những đoạn chưa đúng kỹ thuật”.

Hành trình truyền lửa đam mê Nhạc cụ dân tộc đến với lớp trẻ

Gần 3 năm giảng dạy tại ngôi trường Đại học FPT, cô Đinh Thị Thu Dung dành nhiều tình cảm và sự kỳ vọng vào các sinh viên – thế hệ trẻ sẽ tiếp tục bảo tồn, phát triển nền âm nhạc của ông cha để lại và khiến nó vươn xa hơn trên trường quốc tế. 

Cô Thu Dung biểu diễn trên những “sân khấu” rất đặc biệt

Khi được hỏi về kỷ niệm đã để lại trong lòng cô nhiều cảm xúc nhất, giảng viên Thu Dung bật mí: “Trong quá trình giảng dạy, gần gũi với sinh viên, cô có rất nhiều kỷ niệm mà có kể cả một ngày cũng không hết được. Đặc biệt trong năm 2022, Ban Công tác học đường Tổ chức giáo dục FPT lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Nhạc cụ dân tộc FPT Edu “Tích Tịch Tình Tang” dành cho học sinh, sinh viên, học viên FPT trên khắp cả nước. 

Mặc dù mới tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống trong thời gian ngắn nhưng các bạn đều rất khao khát được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp và cọ xát với các thí sinh ở nhiều vùng miền khác nhau. Thật hạnh phúc khi trong đội hình đại diện Đại học FPT Đà Nẵng tham gia tranh tài, hai em sinh viên lớp đàn Tranh của cô đã giành được giải Nhì và giải Ba. 

Cô Thu Dung cùng hai bạn sinh viên Đại học FPT trong cuộc thi “Tích tịch tình tang”

Sau khi cuộc thi khép lại, các em chia sẻ rằng bên cạnh giải thưởng, niềm vui lớn nhất của các em còn chính là làm quen được rất nhiều bạn bè mới thuộc campus TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quy Nhơn và Cần Thơ. Lúc mới tiếp xúc tuy còn khá bỡ ngỡ nhưng qua ngày thứ 2 các em ấy đã chủ động kết bạn Facebook, giao lưu trò chuyện rôm rả. Dù cho không biết cuộc thi có tiếp tục mùa 2 hay không nhưng các bạn vẫn đang hăng say tập luyện ngày đêm và mong chờ có được cơ hội đứng trên sân khấu với tình yêu âm nhạc cháy bỏng.”.

Vào năm 2023, cô Thu Dung cũng là một trong những giảng viên đồng hành xuyên suốt cùng Dự án cộng đồng “Đưa Nhạc cụ dân tộc đến trường Trung học phổ thông”. Chứng kiến sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh qua từng chương trình, cảm xúc của cô Dung chính là: “Cô rất vui khi nhìn thấy sự thích thú và hào hứng ánh lên trong đôi mắt các bạn học sinh. Có không ít bạn đã ngạc nhiên rằng tại sao sinh viên trường Đại học FPT lại có thể thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc những bản nhạc đang hot, hit như vậy. 

Thật sự thì giới trẻ hiện nay có nhiều bạn rất quan tâm và yêu thích nhạc cụ dân tộc nhưng chỉ là chưa được tiếp xúc bài bản mà thôi. Nếu có cơ hội, cô tin chắc rằng âm nhạc dân tộc sẽ ngày càng được phát triển hơn nữa.”.

Trong không khí phấn khởi chào đón Tân sinh viên, cô Dung đang có rất nhiều cảm xúc: “Vậy là “đại gia đình” FPT lại có thêm một thế hệ mới. Cô đã rất mong chờ đến giây phút được gặp gỡ các em khóa k19 và cùng nhau tạo ra thật nhiều kỷ niệm thật đẹp. Cô hy vọng rằng các em sẽ luôn dồi dào trí lực, lĩnh hội được đầy đủ kỹ năng, kiến thức và an nhiên trong năm học mới. Mến chúc các em thành công!”.

Nguyễn Ngọc Hạnh Ly

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM