Theo Nguyễn Huỳnh Hoài My – cựu sinh viên ĐH FPT hiện đang là kiến trúc sư giải pháp tại Amazon Web Services Việt Nam, kỹ năng mềm sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh cho các vị trí việc làm toàn cầu.
Các kỹ năng mềm theo nữ kỹ sư trẻ gồm: Kỹ năng giao tiếp, tự học, tinh thần vượt khó…
Xem thêm: Top những công việc “hái ra tiền” của ngành Công nghệ thông tin
Đam mê “quái lạ” với CNTT
Những năm cuối cấp I, Nguyễn Huỳnh Hoài My đã “mê công nghệ thông tin”. Niềm đam mê mãnh liệt đến nỗi, cô tự miêu tả nó có phần hơi “quái lạ”. Đến cấp 3, My chỉ có một mục tiêu là tìm hiểu và lựa chọn môi trường đại học phù hợp nhất để theo đuổi ước mơ học tập và làm việc trong ngành công nghệ. May mắn, My được bố mẹ và gia đình ủng hộ, dù biết có lẽ con gái sẽ có phần vất vả khi theo đuổi lĩnh vực này.
“Tôi thấy thích môi trường học tập ở ĐH FPT từ giáo trình học đến việc chú trọng phát triển kỹ năng mềm, đi làm sớm… Khi đó, ĐH FPT là ngôi trường mới mẻ ở Đà Nẵng nhưng tôi không ngại ngần lựa chọn”, Hoài My cho biết. Cô quyết tâm trang bị kiến thức và kỹ năng “càng nhiều càng tốt” để có thể hiện thực hóa ước mơ của mình.
Cuối năm 2013, My được một công ty công nghệ lớn trong nước tuyển dụng ngay khi chưa kết thúc kỳ thực tập, sau đó lại sang Mỹ làm việc với đối tác của công ty. Thời gian này, cô tự học thêm về điện toán đám mây và trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Từ năm 2014, cô tiếp tục làm việc với các đối tác nước ngoài. Nữ kỹ sư công nghệ vừa hoàn thành chương trình học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ vào năm 2020. Hiện, cô là kiến trúc sư giải pháp tại Amazon Web Services Việt Nam, chi nhánh ASEAN, chuyên sâu về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Kỹ năng mềm là lợi thế cạnh tranh toàn cầu
Học ĐH FPT, Hoài My có nhiều trải nghiệm học tập ấn tượng. Trong đó, những bài học qua dự án nhóm khiến My nhớ nhất vì vừa vui, vừa mệt nhưng giúp bản thân tự trang bị nhiều kỹ năng. “Có khi cả nhóm phải thức xuyên đêm làm dự án cuối môn. Mệt nhưng vui lắm. Những bài tập như vậy giúp tôi rèn giũa cách làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng giao tiếp và chuẩn bị tinh thần để đi làm thực tế sau này”, My chia sẻ.
Như tất cả sinh viên ĐH FPT, My thực tập doanh nghiệp từ năm thứ 3. Đây là khoảng thời gian giúp cô mở ra cơ hội bước vào môi trường làm việc thực tế với các đối tác nước ngoài, và trở thành kiến trúc sư giải pháp ở Amazon – một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Đối với My, trải nghiệm làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, trong những dự án lớn không chỉ thách thức về mặt kiến thức mà còn đặt ra những yêu cầu cao về mặt kỹ năng, buộc cô phải tìm cách thích ứng.
“Môi trường làm việc toàn cầu, đa dạng văn hóa buộc tôi phải sở hữu nhiều kiến thức, kỹ năng. Nhưng kỹ năng phục vụ nhiều nhất cho công việc và cả cuộc sống ở nước ngoài là thích ứng nhanh với môi trường và thách thức đặt ra, nôm na là kỹ năng xoay sở”, My cho biết.
“Ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng với người trẻ. Bạn ít nhất cần biết một ngoại ngữ. Kỹ năng giao tiếp đôi khi bị đánh đồng với ngôn ngữ, nhưng không, nhiều bạn ngôn ngữ tốt nhưng kỹ năng giao tiếp không mạch lạc. Ngoài ra, bạn cần có tinh thần học tập không ngừng, sẵn sàng học lại những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc, với tốc độ đủ nhanh để không tụt lùi so với đồng nghiệp”, nữ kiến trúc sư giải pháp chia sẻ.
Đối với Hoài My, học tập là quá trình không ngừng nghỉ, và những trải nghiệm học tập có được ở giảng đường đại học là nền tảng tốt nhất để thực hiện giấc mơ chinh phục việc làm toàn cầu.
Môi trường ĐH FPT cho cô “sự tự tin, kỹ năng tự học, kỹ năng mềm” để có thể liên tục học hỏi kiến thức mới và thêm thế cạnh tranh khi gia nhập thị trường lao động toàn cầu. “Bóng hồng” Amazon cũng nhắn nhủ giới trẻ tìm cho mình một môi trường ĐH có ngành nghề mình yêu thích và giúp bản thân trau dồi những kỹ năng ấy để tạo lợi thế trong tương lai.