Chàng “Cóc” giỏi giang mang tâm hồn nghệ sĩ của Đại học FPT Đà Nẵng

Xa quê nhà, một mình tự lập nơi đất khách, Trần Xuân Thạc đang trải qua quãng đời sinh viên đầy lý thú và không kém phần thi vị của mình tại Đại học FPT Đà Nẵng.

Xem thêm: Sinh viên Đại học FPT bội thu giải thưởng quốc tế

Ẩn sau vẻ ngoài mộc mạc, có phần trầm tính, bất ngờ thay profile của chàng trai xứ Quảng lại lấp kín những “dấu son” thành tích nổi bật gắn liền với trường F. Vừa “cân” tốt việc học vừa hăng hái trong các hoạt động ngoại khóa, Thạc có bí quyết gì?

Thạc cùng nụ cười luôn thường trực trên môi. Chàng trai cũng được bạn bè gán cho biệt danh “chú Thạc” vì gương mặt già dặn trước tuổi.

Đến với Đại học FPT Đà Nẵng vì lời… rủ rê của bạn thân

Trần Xuân Thạc là cựu học sinh lớp chuyên Toán trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam (còn có nghệ danh tự đặt là Shynn), hiện đang là sinh viên K13 chuyên ngành Kỹ thuật Phần mềm của trường Đại Học FPT Đà Nẵng.

Chia sẻ về quyết định lựa chọn theo học tại trường F, Thạc bộc bạch: “Thật ra, mình từng suýt nộp hồ sơ vào Học viện An ninh nhân dân như nguyện vọng gia đình; tuy nhiên, bản thân cảm thấy không phù hợp nên đã chọn theo Công nghệ thông tin. Qua lời rủ rê, giới thiệu từ đứa bạn thân về kỳ thi học bổng tại Đại học FPT Đà Nẵng, mình đã thử sức, kết quả là đạt được mức học bổng 50% toàn khóa”.

“Chưa bao giờ mình cảm thấy mông lung hay tiếc nuối khi lựa chọn Đại học FPT, chọn Đà Nẵng cho quãng đời sinh viên của mình” – Thạc nói. 

Học xa nhà liệu có nhiều khó khăn?

Như bao người con xứ Quảng khăn gói lên thành phố học tập, dù có những khó khăn xung quanh nhưng Xuân Thạc vẫn luôn đối diện bằng cái nhìn lạc quan, ý chí cầu tiến. Đó cũng là cách giúp chàng trai nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. 

“Học xa nhà là một trải nghiệm lý thú mà hầu hết người trẻ như mình mong muốn. Mình được sống trong không gian riêng, có bạn bè xung quanh. Nhiều lúc nhớ cơm nhà lắm chứ, thế nên cuối tuần mình tranh thủ về quê ăn với mẹ, rồi đầu tuần lại ra thành phố tiếp tục học tập, làm việc. Nói thì xa nhưng chỉ mất hơn tiếng chạy xe là về nhà rồi.

Cuộc sống sinh viên của mình cũng khá thú vị, từ việc ở chung trọ, đến KTX của trường cùng các chiến hữu. Đi ăn, đi chơi và học tập cùng nhau rất vui. Làm gì có anh em cũng vui hơn mà.” (cười)

Với Thạc, sống xa nhà là một trải nghiệm lý thú, càng tuyệt hơn khi có những chiến hữu sát cánh kề vai.

Nghiêm túc với bản thân, cởi mở với tất cả mọi người

Nhắc đến danh hiệu “sinh viên toàn diện” được Đại học FPT Đà Nẵng trao tặng, Thạc chưa bao giờ coi đây là một thành tích cho bản thân, chàng trai chia sẻ: “Mình chưa giỏi đâu, còn phải cố gắng nhiều nữa. Thời cấp 3 ở trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), mình chỉ mải mê “cày cuốc” học tập. Lên Đại học, nhận thức tầm quan trọng của trải nghiệm thực tế, mình đã tích cực tham gia các buổi training kỹ năng mềm, các hoạt động văn hóa văn nghệ của trường. Những cơ hội đó giúp mình dần hoàn thiện bản thân, cũng như mở rộng mối quan hệ. Mình cảm thấy may mắn khi được gặp gỡ, kết thân cùng nhiều bạn bè, anh chị em. Tất cả họ đều tốt, đều giỏi, đều giúp đỡ mình rất nhiều. Mình thật sự trân trọng.”

Sự mộc mạc từ vẻ ngoài, chân thành trong tính cách càng “tô đậm” thiện cảm của Thạc với những người xung quanh.

Không chỉ trau dồi kiến thức, Xuân Thạc còn phủ sóng hình ảnh bản thân rộng rãi qua các chương trình, hoạt động ngoại khóa diễn ra tại trường:

– Từng là Phó Chủ nhiệm CLB FUM, CLB Truyền thông. Tạo nên các sản phẩm quay, chụp ấn tượng về Đại học FPT Đà Nẵng.

– Designer “không chuyên” từng chinh chiến cùng trường trong các sự kiện lớn nhỏ. Thạc cũng kiếm thêm một phần thu nhập từ công việc này để trang trải cho những dự định và cuộc sống.

– Thành lập Black Band, ra mắt bản cover ca khúc “Ghé qua”, được đón nhận tích cực với hơn 50.000 views trên Youtube.

Black Band là tập hợp những chiến hữu chung lớp chuyên ngành, chung đam mê “chơi nhạc” của Thạc. Mọi người muốn cùng nhau làm điều gì đó ý nghĩa để ghi lại kỷ niệm thời sinh viên.

– Là hạt nhân quen thuộc của “Open Mic” – một chương trình âm nhạc thường kỳ được phòng PDP, Đại học FPT Đà Nẵng tổ chức vào cuối mỗi kỳ học.

– Thành viên tích cực của chương trình tình nguyện “Sưởi Ấm Vùng Cao” đến với huyện Tây Giang, Quảng Nam.

“Đây là lần đầu tiên mình được đến một nơi vùng cao. Trải qua một tuần sống cùng người dân bản địa, mình được thưởng thức những bữa cơm bên bếp củi, lần đầu nấu ăn cho hơn 50 người, giúp người dân làm vệ sinh kênh mương. Mình cũng có dịp làm quen với đàn em khóa dưới mà có lẽ sẽ khó gặp gỡ nếu chỉ mãi đi học. Xuyên suốt chuyến đi, mọi người đều rất hòa đồng, vui vẻ.” – Thạc phấn khích kể lại hành trình “Sưởi Ấm Vùng Cao”, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh chàng.

Xuân Thạc đã duy trì thói quen lên kế hoạch, sắp xếp thời gian của bản thân như bí quyết để cân bằng giữa học tập và những hoạt động bên lề. “Mình thường viết bullet journal (một phương pháp ghi chép) để hệ thống, phân bổ công việc mỗi ngày phải làm và cố gắng hoàn thành hết. Cuối tuần mình review lại tất cả mục đã làm, chưa làm và chuẩn bị cho tuần sau. Mình thích lên kế hoạch để quản lý tốt thời gian, lúc rỗi mình sẽ đọc sách, học tiếng Anh hoặc chơi nhạc cụ… 

Đối với các hoạt động, bản thân là đứa thích được trải nghiệm và nói chuyện với người khác. Tham gia các hoạt động của trường, đặc biệt là các hoạt động tình nguyện, âm nhạc và cắm trại giúp mình tiếp xúc nhiều với mọi người xung quanh, khiến bản thân tự tin hơn, hiểu được cảm xúc của người khác và làm việc tích cực hơn.”, Thạc chia sẻ.

Thạc luôn hết mình trong những cuộc vui nhưng chỉ khi đã hoàn thành hay sắp xếp ổn thỏa các “task” cần làm.

Khó khăn khi sống, học tập xa nhà vốn chẳng chừa ai, Trần Xuân Thạc cũng không phải ngoại lệ. Song, cách mà chàng trai đối mặt và vượt qua rất đáng học hỏi. Thạc lên kế hoạch cho bản thân, tận dụng tối đa thời gian mình có. Trong các mối quan hệ xã hội, chàng trai luôn cởi mở và chân thành. Những yếu tố đó góp phần hoàn thiện “phiên bản” Xuân Thạc mà chúng ta được gặp gỡ, trò chuyện hôm nay.

Môi trường Đại học có ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân?

Có lẽ Thạc đang tận hưởng những ngày tháng sinh viên tươi đẹp nhất dưới mái trường F. Vậy môi trường học tập có phải yếu tố quan trọng để chúng ta lựa chọn “bến đỗ” phù hợp? Đây cũng là thắc mắc của phần lớn bạn trẻ mỗi khi đứng trước ngưỡng cửa tương lai. 

Chia sẻ về điều này, Xuân Thạc đã có cái nhìn khá sâu sắc: “Từ lúc lên Đại học, được nghe câu chuyện của những người thành công thì mình cũng thôi thúc bản thân cố gắng để đạt được như thế, thậm chí phải hơn. Mình hài lòng về chương trình giảng dạy tại Đại học FPT Đà Nẵng. Nó khác rất nhiều so với phần lớn trường công. Môi trường tạo điều kiện để mình gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc gần hơn với ngành nghề mình hướng đến.

Và với mình việc chọn trường tốt hay không không quan trọng, bản thân trước hết phải ý thức được việc phát triển không ngừng qua từng ngày. Không thể cứ dựa vào trường dạy gì học nấy, thầy cô nói gì nghe nấy mà phải tự tạo con đường riêng, con đường vừa vặn nhất. Bạn có thể mơ xa nhưng đừng viễn vông, làm những việc trước mắt, hoàn thành nó và đặt mục tiêu tiếp theo.”

“Mình vẫn sẽ theo đuổi ngành học này sau khi tốt nghiệp, có thể học lên nữa hoặc đi làm để lấy kinh nghiệm, vừa có tiền nuôi đam mê chứ. Nếu có cơ hội thì mình sẽ kinh doanh cái gì đó mà mình thích.” – Thạc chia sẻ về dự định tương lai.

Cảm ơn Thạc vì cuộc trò chuyện bổ ích, ngập tràn năng lượng tích cực. Hãy luôn lạc quan như thế, tiếp tục theo đuổi đam mê và hoàn thành những mục tiêu tương lai nhé.

Việt Anh

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM