Chắn hẳn, đối với mỗi người quãng thời gian đại học lại mang một ấn tượng khác nhau. Nhưng suy cho cùng, ai đã từng trải qua thời gian này đều học được rất nhiều bài học có giá trị. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê ra top 5 lời khuyên hữu ích được tích góp từ trải nghiệm của các anh chị đi trước, hi vọng có thể giúp được các bạn tân sinh viên chuẩn bị thật tốt cho những năm học đại học sắp tới.
1. Xác định nhiệm vụ chính: đi học đại học là để HỌC
Đọc đến đây nhiều bạn tân sinh viên không tránh khỏi thở dài ngán ngẩm vì vừa mới hoàn thành 12 năm đèn sách, vừa thi đại học xong thì một cánh cổng đầy áp lực học tập khác lại mở ra. Nhiều bạn vẫn cứ khăng khăng tin vào lời đồn rằng “học đại học nhàn lắm”, nhưng thú thật, đại học chỉ nhàn đối với những người không chịu học, không chịu cố gắng phát triển.
“Đại” nghĩa là to lớn, vậy “đại học” có nghĩa là học nhiều hơn, học những thứ lớn lao hơn. Việc học ở đại học không chỉ gói gọn trong việc tiếp thu kiến thức trên giảng đường mà còn là tiếp thu những kiến thức, kĩ năng xã hội. Học từ sách vở, thầy cô, bạn bè, học từ môi trường xung quanh. Luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu để tinh thần học tập luôn được giữ ở mức cao nhất.
2. Tham gia nhiều hoạt động
Ngày nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường nhiều vô kể nhưng không phải ai cũng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng. Nếu là một người quan tâm đến các vấn đề xã hội, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến việc các nhà tuyển dụng thường xuyên phàn nàn về việc sinh viên mới ra trường thường thiếu kỹ năng mềm nên rất khó để đào tạo lại. Vậy, làm thế nào để trở thành một sinh viên vừa có kiến thức vừa có kỹ năng, dễ dàng tìm được một việc làm tốt sau này?
Việc bạn phải làm ngay từ năm nhất đại học là cố gắng tham gia các hoạt động của lớp, của trường, tham gia vào các câu lạc bộ để thể hiện và trau dồi bản thân. Đừng tự nhốt mình trong một cái “kén”, suốt ngày chỉ xoay quanh việc đi học rồi về nhà. Đại học chính là môi trường lý tưởng để các bạn trẻ tự trải nghiệm, học hỏi và khám phá bản thân. Hơn nữa, việc tham gia nhiều hoạt động sẽ giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ, nhiều bạn bè tốt, làm cho tuổi thanh xuân của các bạn trở nên đẹp và ý nghĩa hơn.
3. Mở rộng các mối quan hệ
Lên đại học, hầu hết các bạn sinh viên phải xa quê hương, xa gia đình, đến nơi khác để học tập. Chính vì vậy, việc luôn cố gắng mở rộng các mối quan hệ xung quanh là rất cần thiết. Đầu tiên, nó sẽ giúp các bạn cảm thấy bớt cô đơn, bớt nhớ nhà bởi vì xung quanh vẫn có những người quen biết luôn sẵn sàng ở bên và lắng nghe bạn.
Chủ động mở rộng quan hệ ở một môi trường học tập mới khiến bạn trở nên vui vẻ, tự tin và có hứng khởi để học tập. Bên cạnh đó, có nhiều mối quan hệ, bạn cũng sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ hơn trong lúc gặp khó khăn.
4. Luôn có ý thức phát triển bản thân
Lên đại học, môi trường sống và học tập thay đổi, không còn chịu sự quản lý của gia đình nên một số sinh viên tự do buông thả bản thân, thậm chí là bỏ bê việc học tập, sẵn sàng đốt thời gian vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Tệ hơn, nhiều bạn còn bị kéo vào các tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng.
Một vài trường hợp khác thì lại lười nhác, cả ngày chỉ xoay quanh việc học ở trường rồi về nhà lướt mạng xã hội, cuộc sống sinh viên cứ thế trôi qua một cách nhạt nhẽo, lãng phí. Học đại học suốt bốn năm ròng rã nhưng ngoài tấm bằng tốt nghiệp ra thì chẳng học được gì khác. Thế là bốn năm đại học trôi qua mà bản thân sinh viên vẫn dậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, việc trang bị cho mình ý thức không ngừng phát triển bản thân là vô cùng cần thiết cho tân sinh viên trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học.
Thay vì tốn thời gian vào những việc vô bổ, có rất nhiều cách để các bạn sinh viên tự phát triển bản thân trong thời gian đại học như: đọc sách, học ngoại ngữ, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham gia vào các tổ chức trong và ngoài trường đại học,…
5. Quan tâm đến sức khỏe
Lên đại học, phần lớn các bạn trẻ trở nên bận rộn hơn vì không chỉ phải loay hoay với đống bài vở trên lớp mà còn phải làm việc nhà, tham gia các hoạt động ngoại khóa,… Chính vì vậy, việc thờ ơ với sức khỏe của bản thân không phải là một việc hiếm gặp trong sinh viên.
Nhiều người thú nhận rằng khoảng thời gian họ “phá hoại” cơ thể nhất là khoảng thời gian học đại học. Các sinh viên hầu như không quan tâm tới việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục thể thao… dẫn đến việc không ít sinh viên rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể, thậm chí xấu hơn là dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.
Vậy nên, các tân sinh viên cần chú trọng việc tạo lập thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ năm đầu và duy trì xuyến suốt những năm đại học cũng như sau này, ngay cả những lúc bận rộn nhất.
Một số lưu ý cho các tân sinh viên để có được nguồn năng lượng dồi dào nhất, một sức khỏe tốt nhất trong những năm đại học:
- Ăn uống đầy đủ chất
- Hạn chế các loại đồ ăn nhanh và thức uống có ga, có cồn
- Ngủ sớm và ngủ đủ giấc
- Tập thể dục mỗi ngày (từ 15-30ph)
Môi trường đại học giống như một đại dương mênh mông xinh đẹp nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Chú cá nào càng cố gắng thích nghi, cố gắng bơi vượt sóng thì sẽ càng trở nên mạnh mẽ kiên cường. Top 5 lời khuyên hữu ích trên đây chính là những hành trang vô giá mà các bạn tân sinh viên cần mang theo bên mình để có thể trở thành những “chú cá” mạnh mẽ, giỏi giang trong môi trường đại học. Chúc các bạn thành công!
Thủy Triều