Được sáng lập vào ngày 29/9/2013, võ phái Đức Nam Nhị khúc côn được công nhận là võ phái đầu tiên chuyên về võ khí Nhị khúc côn tại Việt Nam. Trải qua 7 năm hình thành và phát triển, võ phái Đức Nam Nhị khúc côn đã khẳng định được vị thế, đồng thời góp phần tô điểm tinh hoa võ thuật nước nhà. Thế nhưng ít ai biết được, võ phái được sáng lập bởi võ sư Lâm Giang, hiện đang là Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục thể chất Đại học FPT Đà Nẵng.
Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn – tinh hoa của võ thuật Việt Nam
Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn là môn võ dùng côn nhị khúc do võ sư Lâm Giang (Cử nhân Thể dục thể thao chuyên ngành Võ thuật, nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Hội Vovinam Đà Nẵng, huấn luyện viên Karatedo), hiện đang là Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục thể chất trường Đại học FPT Đà Nẵng nghiên cứu và sáng lập.
Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn được thành lập với ba mục đích chính: Mục tiêu của người tập luyện võ thuật là rèn đạo đức; nhắc nguồn sáng lập võ phái là của người Việt Nam và dụng cụ luyện tập của môn sinh là nhị khúc.
Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn sử dụng 5 loại nhị khúc côn, gồm: Nhị khúc côn phổ dụng, nhị khúc trường côn, đoản thiết lĩnh, trường thiết lĩnh và Néo Pháp. Để phục vụ cho các hoạt động rèn luyện và thi đấu, còn có nhiều loại học cụ khác nhau như dao găm, đoản côn, trường côn…
Võ thuật của Đức Nam Nhị khúc côn được xây dựng dựa trên đòn của các võ phái, các bài côn nhị khúc của Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền, Võ gậy Philippin. Kỹ thuật côn theo nguyên tắc “1 thành 3” từ đòn, bài, để xây dựng chương trình từ cơ bản đến nâng cao với các nội dung thế, đòn, bài – đơn luyện, song luyện, đa luyện.
Nét mới trong luyện nhị khúc Đức Nam là sử dụng các thế đòn gồm: Thế căn bản, Đòn đơn luyện, Bài đối luyện và Bài đa luyện. Ngoài các thế tay không, môn sinh rèn các thế có sử dụng côn nhị khúc: tấn, thủ côn, bạt côn, chọc côn, vụt côn, chuyển côn, tung côn… Đòn đơn luyện như: đơn đòn, liên đòn và bài quyền côn nhị khúc. Bài đối luyện bao gồm các bài song luyện (giữa côn nhị khúc với đoản côn, trường côn, kiếm và côn nhị khúc) và bài đa luyện (giữa côn nhị khúc chống các loại binh khí và tay không nhiều người).
Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, người ta thường đề cập đến “thập bát ban võ nghệ” với những loại binh khí khác nhau. Tuy nhiên, rất ít võ phái chuyên riêng về một loại binh khí nhất định. Ngoài Kendo chuyên về kiếm tre của Nhật Bản, Arnis chuyên về võ gậy của Philippines, côn nhị khúc chính là võ phái đầu tiên của Việt Nam và cũng có thể là thứ ba trên thế giới, chuyên riêng về một loại võ khí.
Chia sẻ lý do chọn côn nhị khúc làm võ khí chính của võ phái Đức Nam Nhị khúc côn, võ sư Lâm Giang cho biết: “Đây là loại võ khí mà hầu hết mọi người đều có thể sử dụng và tập luyện. Côn nhị khúc gắn với những giá trị triết lý tồn tại bên trong nó, là biểu trưng cho lẽ sống, thể hiện nguyên lý âm dương, cương nhu. “Nhị” thể hiện cho tính hai mặt của vấn đề, sự vật, sự việc, hiện tượng. “Khúc” được hiểu là hai bộ phận kết nối (gồm: côn, khúc, tiết, đoạn) thích ứng và biến đổi linh hoạt. Đó là sản phẩm văn hóa của nhân loại, gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất. Người xưa đã biến nó từ nông cụ trở thành một loại binh khí rồi thành võ khí thể thao. Ở Việt Nam, từng có một kiểu nhị khúc cổ truyền đã được Bộ Binh triều nhà Nguyễn đưa vào danh mục binh khí võ thuật (số 723) với tên gọi là Thiết lĩnh, hay còn gọi là Mẫu tử côn, Trường sao tử. Có tính kế thừa lịch sử, có tính quần chúng gắn liền với đời sống nhân dân, Võ phái Đức Nam Nhị Khúc Côn là sản phẩm kết tinh văn hoá truyền thống của nhân loại.”
Là một điểm nhấn mới góp phần điểm tô tinh hoa nền võ thuật Việt Nam, Đức Nam Nhị khúc côn được xem là võ phái có tính kế thừa và phát huy cao. Năm 2016, chương trình huấn luyện Nhị khúc côn của võ sư Lâm Giang biên soạn đã được Cục Bản quyền Tác giả của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền. Môn võ cũng được Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật công nhận. Đây có thể xem là một dấu ấn mới đáng khích lệ trong làng võ Việt Nam.
Từ ấp ủ dự định đến kiến tạo giấc mơ
Trải qua gần 20 năm rèn luyện và học tập, đặc biệt tham gia các sân chơi võ thuật lớn nhỏ với tư cách vận động viên lẫn huấn luyện viên, võ sư Lâm Giang đã luôn nuôi trong mình giấc mơ xây dựng một võ phái có võ khí chuyên biệt.
Những năm tháng tuổi thơ gắn với lò võ Karatedo nơi vùng quê nghèo Đăk Lăk, những lần vượt hơn 12 km đường rừng để đến với lớp học tại thị trấn, thời sinh viên đầy nhiệt huyết với niềm đam mê võ thuật tại Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng… là những chặng đường không thể nào quên được của chàng thanh niên năm ấy.
Với những gì thu được qua việc học tập và rèn luyện, anh nghiệm ra một điều rằng, hoàn toàn có thể xây dựng nên một võ phái góp phần làm phong phú văn hóa võ thuật nước nhà. “Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2010, bên cạnh rèn luyện và thi đấu Karatedo, Vovinam, tôi tìm được rất nhiều kiến thức từ các môn võ thuật khác. Đây cũng là cái duyên lớn giúp tôi biết đến, vận dụng và luyện tập Nhị khúc côn. Đặc biệt, quá trình học chuyên ngành Vovinam ở trường Thể dục Thể thao, tôi nghiên cứu tài liệu chuyên môn, rút được nhiều bài học để chuẩn bị cho định hướng phát triển môn phái sau này”, võ sư Lâm Giang kể.
Để tiến hành xây dựng hệ thống bài tập, đòn thế cho võ phái Đức Nam Nhị khúc côn, vị võ sư đã tìm hiểu chuyên sâu võ cổ truyền Việt Nam và võ nước ngoài du nhập vào như Taekwondo, Karatedo, võ gậy người Philippines, Kendo của người Nhật… “Đức Nam Nhị khúc côn phát triển dựa trên nền tảng các đòn thế tay trên không của vũ khí tự nhiên, các thế đối luyện, các bài quyền, hướng di chuyển, kết cấu đòn thế, sự tác động của bài tập đó lên cơ thể của mình như thế nào, tác động đến môn sinh ra sao… Từ đó, tôi đúc rút kinh nghiệm, hệ thống lại và xây dựng những tổ hợp đòn đơn, liên hoàn đòn, đối luyện. Ngoài ra, tôi cũng xây dựng cách thức tổ chức, quản lý, phát triển để hoàn thiện chương trình, hoàn tất hồ sơ pháp lý để đặt nền móng đưa võ phái đi vào giai đoạn phát triển đầu tiên, truyền tải đến công chúng/ môn sinh.”, võ sư cho biết.
Khát khao muốn làm phong phú nền võ học nước nhà, chung tay xây dựng một võ phái về binh khí đầu tiên cho người Việt cuối cùng được võ sư Lâm Giang hiện thực hóa. Giữa cuối năm 2013, với sự hỗ trợ của Đại học FPT Đà Nẵng, buổi lễ ra mắt võ phái Đức Nam Nhị khúc côn đã diễn ra với sự chứng kiến của các huấn luyện viên và võ sư đến từ các bộ môn Vovinam, Karatedo, Teakwondo cũng như các cơ quan tại TP Đà Nẵng.
Đưa võ thuật Việt Nam vươn lên tầm cao mới
Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn đã từng có những khó khăn đầu tiên trong việc thử nghiệm, xây dựng và phát triển chương trình. Nhìn lại chặng đường đã qua, võ sư Lâm Giang bồi hồi: “Tôi tập, nhớ, ghi chép lại… mất rất nhiều thời gian và chỉ một mình. Việc xây dựng khó khăn một thì việc đem “đứa con tinh thần” ra phát triển, giới thiệu lại khó khăn gấp mười. Những năm đầu đi vào hoạt động, bạn bè chỉ có một vài người đồng quan điểm. Vừa tập luyện vừa thí điểm, mất vài năm… mới tạo ra một lớp võ Nhị khúc côn đầu tiên tại Đà Nẵng. Làm sao để phát triển rộng hơn, nhiều người tiếp cận hơn là câu hỏi lớn đối với bản thân tôi lúc đó.”
Sau gần 5 năm kiên trì đi đến từng tỉnh, thành để chia sẻ và tập luyện, cùng lúc các đồng môn lĩnh hội được hệ thống đòn thế, kỹ thuật của Nhị khúc côn cũng là lúc vị võ sư quyết định đưa bộ môn Côn nhị khúc ra phổ biến rộng rãi để những người yêu thích được tập luyện bài bản.
Thuyết phục được những người có kiến thức, có tập luyện võ thuật khó khăn một phần thì việc đưa đến nhiều người, nhiều lứa tuổi, nhất là lứa tuổi học sinh là điều không đơn giản. Bởi những định kiến, lo lắng của phụ huynh khi cho con em học binh khí. Hiện nay, các lớp học của võ phái Đức Nam Nhị khúc côn thu hút khá đông đảo các lứa tuổi tham gia luyện tập, kể cả các bạn nữ. Điều đó cho thấy sức hút đáng kể của cây côn nhị khúc với thế hệ thanh thiếu niên. Và để xây dựng hình ảnh cây côn nhị khúc thân thiện theo theo đúng nghĩa với tất cả các võ sinh là một nỗ lực đáng ghi nhận của võ phái Đức Nam Nhị khúc côn.
Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn được xây dựng trên ba nền tảng chính: võ thuật, võ đức, võ luật. Song song với đó là hệ thống đai đẳng, hệ thống bài quyền, cách thức quản lý được sắp xếp khoa học, bài bản và rõ ràng. Hơn thế nữa, võ sư Lâm Giang và các cộng sự đã đưa võ khí nhị khúc côn phát triển theo xu hướng thể thao. Đây cũng là một hướng đi bắt kịp với xu thế chung của thể thao thế giới. Có thể kể đến như võ gậy Arnis của Philippines được thi đấu trong đấu trường Seagame hay môn đấu kiếm được thi đấu trong Olympic.
“Việc tổ chức các cuộc thi đấu nhằm tạo sân chơi để môn sinh cọ xát, rèn luyện và gắn kết, đồng thời kiểm chứng sự tiến bộ, phát triển của các môn sinh qua từng giai đoạn. Thể thức thi đấu, phân loại thi đấu, hạng cân, thời gian thi đấu, kỹ thuật & các vùng được phép đánh, cách tính điểm thắng – thua… Các hạng mục này đều được võ phái Đức Nam Nhị khúc côn xây dựng bài bản, khoa học.”, võ sư Lâm Giang cho biết.
Ông Ngô Xuân Thảo – nguyên Phó chủ tịch Hội Vovinam Đà Nẵng nhận định: “Giảng dạy và huấn luyện kỹ thuật chiến chiến đấu của nhị khúc côn là việc nhiều người làm được, nhưng tổ chức thành môn phái với với môn quy, điều lệ, đăng ký hoạt động trong nước và quốc tế cùng hệ thống giáo trình đầy đầy đủ như Đức Nam Nhị khúc côn là điều không dễ dàng. Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn như một bông hoa mới trong vườn hoa võ thuật võ đạo nhiều sắc màu của Việt Nam và thế giới.”
Sau 7 năm hình thành và phát triển, võ phái Đức Nam Nhị khúc côn đã có mặt tại 12 tỉnh, thành trên toàn quốc với 37 võ đường, CLB trải dài từ Hà Nội tới Bạc Liêu thu hút đông đảo số lượng võ sinh theo học. Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn đã đưa luồng sinh khí mới thúc đẩy phong trào học võ, luyện tập võ thuật Việt Nam, góp phần truyền bá và giữ gìn văn hóa truyền thống thông qua võ thuật.
Phóng sự về Võ phái Đức Nam Nhị Khúc Côn trong chương trình “Tinh hoa võ thuật” – VTV4:
Thảo Lê