Giữa bối cảnh xã hội đương đại, khi hiện đại hoá và hội nhập quốc tế kéo theo sự bùng nổ của công nghệ, một bộ phận giới trẻ vẫn miệt mài theo đuổi âm nhạc truyền thống. Với sinh viên Đại học FPT, nhạc cụ dân tộc là “hộ chiếu văn hoá” giúp các bạn tự tin hội nhập quốc tế và tạo dấu ấn trên bản đồ thế giới.
Cử nhân Công nghệ thông tin biết chơi đàn nguyệt, học Ngôn ngữ lại có tài gảy đàn tranh hay dân truyền thông vẫn có thể chơi sáo trúc thành thạo… Điều tưởng chừng “độc lạ” với ngôi trường hàng đầu về công nghệ, nhưng tại Đại học FPT là điều hết sức bình thường. Bước qua cánh cổng trường F, đi 3 bước gặp một “nghệ sĩ” đàn tranh, đi 7 bước gặp “nghệ sĩ” đàn nguyệt… sinh viên trường F đang từng ngày tạo nên dấu ấn: Mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc bên cạnh sở hữu nền tảng tri thức và kỹ năng vững vàng.
Tự tin hội nhập với bản sắc văn hoá dân tộc
Mỗi khi được hỏi về đam mê Nhạc cụ dân tộc, Nguyễn Vũ Linh – Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Đại học FPT) có thể kể say sưa. Trải nghiệm khó quên của Linh trong học kỳ Tiếng Anh tại Malaysia chính là nhờ có cây sáo trúc lợi hại đã giúp chàng sinh viên “nổi bần bật” giữa hàng ngàn sinh viên quốc tế. “Trong đêm giao lưu, khi ai cũng hào hứng thể hiện nét đặc trưng của quốc gia, dân tộc mình, mình đã chọn giai điệu Despacito bằng sáo trúc. Cả khán đài ồ lên, say sưa theo điệu nhạc và tò mò tìm hiểu về cây sáo. Cảm giác lúc đó thật tự hào Việt Nam. Kể cả khi đi dạo phố, mình đã kiếm cơ hội giao tiếp Tiếng Anh bằng cách thổi sáo, nhiều người dân bản địa hay khách du lịch đã bị hút hồn bởi tiếng sáo và chủ động bắt chuyện với mình”.
Từng có khoảng thời gian tham gia học kỳ OJT – Đào tạo trong doanh nghiệp tại một tập đoàn đa quốc gia, Bùi Thị Ngọc Thoa – Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện bật mí: “Nhạc cụ dân tộc đã giúp mình hòa nhập nhanh hơn với mọi người trong công ty. Và mình cực kỳ tự tin để bắt chuyện với những đồng nghiệp, nhất là những anh chị ngoại quốc bằng tiếng đàn tranh mê đắm lòng người”. Thoa chia sẻ, sau mỗi giờ làm việc, tiếng đàn tranh của cô đã giúp mọi người thư giãn, và cô cũng kết nối được đồng nghiệp bằng cách phổ biến cách chơi đàn tranh – bộ môn vừa khó nhưng cũng cực kỳ thu hút.
Thường xuyên tham gia biểu diễn trong các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, Đoàn Tuấn Khải – chàng sinh viên Kỹ thuật phần mềm hào hứng: “Nhờ Nhạc cụ dân tộc mà mình chuyển từ anh IT hướng nội sang hướng ngoại”. Với Tuấn Khải, những trải nghiệm có được từ Nhạc cụ dân tộc không chỉ là giải tỏa căng thẳng mà còn rèn luyện sự tự tin khi biểu diễn trên sân khấu và niềm tự hào bản sắc dân tộc. “Cơ hội biểu diễn trước bạn bè quốc tế, phổ biến về lối chơi, những điểm khác biệt mà nhạc cụ dân tộc mang lại so với nhạc cụ phương Tây, được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, bản thân cũng thấy rất tự hào về nhạc cụ dân tộc và tự hào rằng mình là người Việt Nam”.
Nuôi dưỡng sức mạnh cội nguồn cho thế hệ tương lai
Tuy không phải trường đại học nghệ thuật, nhưng nhạc cụ dân tộc lại là môn học chính khóa của tất cả sinh viên Đại học FPT. Từ năm nhất, các bạn sẽ được học bộ môn nhạc cụ dân tộc. Sinh viên có thể lựa chọn các loại nhạc cụ mình yêu thích để theo học: Sáo Trúc, Đàn Tỳ Bà, Đàn Nhị, Đàn Nguyệt, Đàn Tranh, Đàn Bầu và Trống.
Cùng với Vovinam, trải nghiệm nhạc cụ dân tộc nằm trong những trải nghiệm thuộc nhóm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông – một trong 6 nhóm trải nghiệm cốt lõi mà Đại học FPT triển khai cho sinh viên. Qua đây, sinh viên phát triển toàn diện, hiểu biết và trân trọng bản sắc văn hoá dân tộc đồng thời tự tin hội nhập, nơi mà người trẻ hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc dễ làm “mê đắm” thế giới.
Đồng hành cùng các bạn sinh viên là đội ngũ Giảng viên nhiệt tâm và có chuyên môn cao trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, nhiều Giảng viên là các nghệ sĩ nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp văn hoá dân tộc. Sau khi hoàn thành môn học, sinh viên sẽ có kiến thức cơ bản về nhạc cụ và âm nhạc truyền thống.
Là nghệ sĩ Đàn Tranh, từng đưa tiếng đàn dân tộc chu du qua hàng chục nước trên thế giới, giảng viên Vũ Thị Kim Yến – Chủ nhiệm bộ môn Âm nhạc truyền thống Đại học FPT chia sẻ: “Mỗi năm có thêm hàng ngàn sinh viên biết và sử dụng được nhạc cụ dân tộc. Điều này tạo nên một làn sóng mới, khơi lại phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc trong học đường, giảng viên và nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc cũng cảm thấy mình có chỗ đứng vững chắc hơn trong lòng người yêu nhạc. Tôi mong sinh viên hiểu văn hóa âm nhạc dân tộc, chơi tốt nhạc cụ đã chọn. Những kiến thức và kỹ năng này không chỉ hữu ích và cần thiết cho các em trong hành trình cuộc sống tương lai mà còn góp phần vào ý nghĩa lớn lao: Giữ gìn và lưu truyền âm nhạc truyền thống dân tộc”.
Trải nghiệm Nhạc cụ dân tộc của sinh viên không chỉ nằm ở các tiết học, mà được trải dài bằng nhiều hoạt động và đa dạng các hình thức: Sân chơi nghệ thuật học đường, Triển lãm hay dự án cộng đồng: như F-Sound: Thanh âm FPTU, Triển lãm Cung đàn đất nước, Tích Tịch Tình Tang… Đây là cơ hội để mỗi sinh viên nhúng mình vào các hoạt động trải nghiệm, từ đó niềm đam mê với âm nhạc truyền thống được chắp cánh.
Âm nhạc truyền thống – cổ mà không cũ
Ai bảo người trẻ chỉ thích lướt Tiktok để tìm các đoạn âm thanh EDM bắt trend, GenZ bây giờ còn dùng nhạc cụ dân tộc để tạo trend hút hàng trăm triệu view. Với Vũ Linh, cậu bạn “bật mí” công thức để tiếng sáo của Minh đi vào lòng người chính là “kết đôi” giữa truyền thống và hiện đại. Minh luôn chọn những ca khúc nổi tiếng trên thế giới, rồi từ đó thể hiện bằng sáo trúc. Cảm giác vừa quen mà vừa lạ, giai điệu của bài nhạc hot trend lại được thể hiện bằng thanh âm trầm bổng của nhạc cụ dân tộc đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng những khán giả ngoại quốc.
Với Cô Vũ Thị Kim Yến, việc luôn đo đếm tâm lý của khán giả nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên là cách để các bạn thấy Nhạc cụ dân tộc hấp dẫn hơn. Bằng cách xây dựng chương trình khéo léo, đáp ứng được thị hiếu, dựa trên những chất liệu về dân ca, những ca khúc top1 trending, được giới trẻ ưa chuộng được đưa vào chương trình để mỗi khán giả và người học thấy được hơi thở mới của nhạc cụ truyền thống và là minh chứng rõ nhất để thấy âm nhạc truyền thống cổ nhưng không cũ.
Ngọc Thoa bật mí thêm: “Khi tham gia biểu diễn với các bạn sinh viên trao đổi quốc tế khác, mình và các bạn khá đắn đo cho phần lựa tiết mục biểu diễn để các bạn cảm thấy được âm hưởng của dân tộc mình nhưng lại gần gũi, thân thuộc với các bạn. Thường thì chúng mình chọn một tiết mục dân ca mang đậm văn hóa Việt Nam cùng một bài hiện đại nổi tiếng của nước bạn để tạo cảm giác gần gũi hơn. Và thật tuyệt vời khi các bạn rất hưởng ứng và yêu thích nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Chúng mình đã kết nối được rất nhiều bạn ở nhiều quốc gia khác nhau qua nhạc cụ dân tộc. Với mình, nhạc cụ dân tộc có thể ví như một mối liên kết vô hình khiến bản thân cùng bạn bè quốc tế dễ dàng kết bạn làm quen hơn. Điều đó cũng khiến các bạn sinh viên như mình tự tin và cũng rất tự hào khi có thể mang nét đẹp truyền thống Việt Nam quảng bá rộng rãi đến thế giới”.
Với tinh thần này, trường Đại học FPT đã mang tiếng đàn đi xa hơn, liên tiếp trong 2 năm qua trường Đại học FPT đã hiện thực dự án “Mang âm nhạc dân tộc đến trường học” lan tỏa khắp cả nước. Trong đó chương trình còn có sự đồng hành của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang để giới thiệu thêm về nét đẹp của sân khấu cải lương với các trích đoạn, ca cảnh về lịch sử hào hùng của dân tộc. Những câu đố vui như: nghe giai điệu từ nhạc cụ dân tộc đoán tên bài hát; giới thiệu ngắn về các loại nhạc cụ dân tộc Việt mà bạn biết, lớp học Nhạc cụ dân tộc… là cách mà giảng viên và sinh viên Đại học FPT cùng kéo khán giả hướng về phía cội nguồn dân tộc.
Trường Đại học FPT là đơn vị tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo. Từ năm 2022, Trường Đại học FPT bắt đầu thực hiện dự án cộng đồng “Đưa Bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến các trường THPT” nhằm đồng hành cùng các trường THPT trong việc triển khai giảng dạy nhạc cụ dân tộc tại trường, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống của Việt Nam đến với thế hệ trẻ. Hiện nay nhiều trường THPT tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ đã hưởng ứng và đẩy mạnh giới thiệu, biểu diễn, góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần, đồng thời giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam.
Theo công bố xếp hạng năm 2023 của “THE Impact Rankings”, Trường ĐH FPT xếp vào nhóm 601-800 các trường đại học tham gia trên toàn cầu, thành công thăng hạng từ nhóm 801-1.000 của xếp hạng năm 2022./.