Trải nghiệm OJT ngành Quản trị Khách sạn liệu có “sang” như lời đồn?

Kỳ OJT từ lâu đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của Đại học FPT. Đặc biệt với những ngành yêu cầu tính trải nghiệm thực tế cao như ngành Quản trị Khách sạn, kỳ thực tập OJT càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cùng lắng nghe những kinh nghiệm và bài học quý báu từ kỳ OJT được đúc kết qua những câu chuyện “người thật việc thật” của các sinh viên K16 ngành Khách sạn.

Kỳ OJT là gì? Tại sao sinh viên ngành Quản trị Khách sạn Đại học FPT phải tham gia kỳ học này?

Học kỳ OJT là học kỳ mà sinh viên trường Đại học FPT sẽ được trải nghiệm thực tập tại doanh nghiệp trong vòng 14 tuần. Tại đây, các bạn sẽ được làm quen với quy trình làm việc thực tế của các doanh nghiệp, được giao nhiệm vụ và được chấm công như một nhân viên chính thức của công ty. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên được áp dụng những kiến thức học được từ 6 kỳ trước đó vào thực tiễn, cũng là lúc các bạn được tiếp xúc và tập làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp 8 tiếng/ngày tại các công ty có tiếng. 

Các bạn sinh viên Đại học FPT được tham gia các chuyến Field Trip bổ ích trước kỳ OJT

Theo đó, ngành Quản trị Khách sạn là chuyên ngành yêu cầu sinh viên phải trải nghiệm thực tế càng nhiều càng tốt. Chính vì thế OJT chính là cách tốt nhất để các bạn sinh viên Đại học FPT được cọ xát với môi trường làm việc ngoài đời của ngành khách sạn. Tại đây, các bạn sẽ được làm việc trực tiếp với khách hàng, được tập xử lý các vấn đề cơ bản trong quá trình vận hành khách sạn 5 sao và thậm chí còn được học nhiều kiến thức bổ ích mà sách vở và lý thuyết chưa bao giờ đề cập đến. 

Sinh viên Đại học FPT khi đi thực tập trong ngành khách sạn sẽ có cơ hội được làm việc trong các bộ phận như bộ phận Tiền sảnh (Front Office), bộ phận Ẩm thực (Food & Beverage), bộ phận Buồng phòng (Housekeeping) hay thậm chí là bộ phận Kinh doanh và Tiếp thị (Sales & Marketing) tại các khách sạn và resort 5 sao. Để tìm hiểu sâu hơn về kỳ thực tập OJT này, cùng lắng nghe câu chuyện trải nghiệm chân thật của các bạn sinh viên khóa trước về bộ phận Tiền sảnh và bộ phận Ẩm thực tại khách sạn Shilla Monogram Quangnam Danang.

1001 tình huống phải xử lý khi đi OJT ở bộ phận Tiền sảnh

Bước vào kỳ thực tập OJT, Hải An gửi CV đến các doanh nghiệp liên kết với bao nhiêu sự hào hứng. An may mắn khi được các doanh nghiệp trao cơ hội thử sức và cuối cùng, cô nàng đã chính thức trở thành thực tập sinh tại khách sạn Shilla Monogram Quangnam Danang – thuộc thương hiệu khách sạn The Shilla đẳng cấp hàng đầu Hàn Quốc.

Chỉ sau vài ngày phỏng vấn, An nhận được tin vui và đã có thể đi làm ngay. An chia sẻ về ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào khách sạn Shilla: “Lần đầu tiên được thử sức trong một môi trường lớn và chuyên nghiệp như Shilla Monogram, đương nhiên mình không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ. May mắn thay sẵn có hành trang kiến thức qua những kì học chuyên ngành cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị đồng nghiệp, mình đã có thể thích nghi nhanh hơn với công việc nơi đây. Thêm một điểm cộng là đồng phục của Shilla rất xinh nhé!”.

Hải An trong bộ đồng phục đậm chất Hàn Quốc tại Shilla Monogram

Tại Shilla Monogram, Hải An làm việc ở bộ phận Guest Relation (vị trí nhân viên Chăm sóc khách hàng) trước sảnh Lobby sang trọng, khoác trên mình bộ đồng phục Hàn Quốc xinh xắn và được hướng dẫn các quy trình tiếp đón khách tiêu chuẩn. Nhiệm vụ hàng ngày của An là trực tiếp tiếp nhận các yêu cầu của khách in-house (khách đã ở tại khách sạn) và cùng phối hợp với các bộ phận khác như bộ phận Giải trí, bộ phận Lễ tân, bộ phận Ẩm thực để đáp ứng yêu cầu đó. Trải qua 14 tuần học việc, điều mà An học được nhiều nhất chính là những trải nghiệm với khách hàng. Dưới tư cách là một nhân viên Guest Relation, cô nàng đã “điểm mặt” qua vô số những case khách hàng mà trước giờ cô nghĩ “chỉ có trong phim”.

Thông thường, cô nàng sẽ trò chuyện cùng khách, giải đáp thắc mắc của khách, hướng dẫn khách sử dụng dịch vụ, nhận order đồ ăn của khách và làm hàng tỉ những nhiệm vụ thú vị khác. Vì đa số khách tại Shilla Monogram là khách Hàn Quốc và khách nước ngoài, cô nàng buộc phải giao tiếp gần như 100% bằng tiếng Anh để hỗ trợ khách hàng. Điều này đã góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp và sự tự tin của Hải An lên một cấp bậc mới. Có thể nói, được học tập từ những tình huống thực tế để mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng là một trong những yếu tố mà An trân quý nhất trong các “tiết học” của kì OJT.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi kết thúc kỳ thực tập, Hải An mạnh dạn ứng tuyển vào một khách sạn 5 sao khác tại Đà Nẵng – khách sạn Sel De Mer. Vì có được “profile” từng thực tập lại 1 resort sang trọng, cô nàng nhanh chóng được trao cơ hội cho vị trí Front Desk Agent (nhân viên Lễ tân) và trở thành nhân viên chính thức sau 2 tháng thử việc. 

Hải An có cơ hội được nhận vào làm nhân viên Lễ tân chính thức  tại khách sạn Sel De Mer ngay sau kỳ OJT

“Kết thúc hơn 3 tháng thực tập ở bộ phận Guest Relation, mình đã thử sức với một khách sạn 5 sao – Sel de Mer với một vị trí mới là Front Desk Agent. Hiện tại mình đã qua 2 tháng thử việc và chính thức trở thành một nhân viên khách sạn đúng với chuyên ngành mà mình theo đuổi.” – Hải An chia sẻ.

Được làm việc trong bộ phận Lễ tân là ước mơ của cô nàng. Chính nhờ 3 tháng trải nghiệm học kỳ OJT quý giá của Đại học FPT mà cô nàng đã có thể hiện thực hóa ước mơ của mình ngay từ năm 3 đại học. 

Những “đặc sản” chỉ có khi OJT tại bộ phận F&B

Thực tập tại bộ phận Tiền sảnh mang lại cho Hải An nhiều tình huống thực tế như thế, vậy còn thực tập tại bộ phận Ẩm thực (F&B) sẽ như thế nào? Cùng tìm hiểu những “món đặc sản” có 1 – 0 – 2 khi tham gia kỳ OJT tại bộ phận F&B qua câu chuyện của bạn Võ Lý Đăng Thi.

Cũng lựa chọn khách sạn Shilla Monogram làm điểm dừng chân cho kỳ OJT, Đăng Thi tự tin ứng tuyển vào bộ phận Ẩm thực với những kinh nghiệm “part-time” trước đó. Khi được hỏi lý do tại sao lại chọn khách sạn này, Đăng Thi bộc bạch: “Mình đã biết đến thương hiệu The Shilla Seoul qua mạng xã hội, sự giản đơn nhưng không kém phần sang trọng chấm phá thêm chút hiện đại chính là điểm mà mình cực kì ấn tượng ở The Shilla. Mình đã không mất nhiều thời gian để quyết định ứng tuyển vào Shilla Monogram Quang Nam Da Nang.”

Hơn 3 tháng thực tập tại Shilla, Đăng Thi cho rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa lý thuyết và thực tiễn của ngành nhà hàng chính là “tính chất khốc liệt”. “Trên trường, thầy cô sẽ nói cho các bạn biết ngành này sẽ vất vả như thế nào, nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận rõ nhất sự vất vả ấy khi bạn thật sự bắt tay vào làm. Lúc mọi người đi làm thì mình cũng đi làm, mọi người được nghỉ ngơi vào những dịp lễ, ngày hè, thì mình càng phải đi làm!” – Đăng Thi 21 tuổi mới bước chân vào ngành F&B chia sẻ. 

Đăng Thi cùng các anh trong bộ phận nhà hàng tổ chức ngày lễ 08/03

Tuy nhiên, các bạn sinh viên đừng vì vậy mà lùi bước. Bởi làm việc ở nhà hàng, các bạn sẽ được học thêm vô vàn những thứ mới mẻ khó có thể tìm thấy trên giảng đường. Tại nhà hàng Dining M của khách sạn Shilla Monogram, Đăng Thi được học menu gồm danh sách những món ăn Âu – Á độc đáo, những thức uống sang chảnh trước giờ chỉ thấy trên mạng xã hội. Vì là nhân viên nhà hàng nên cậu còn được ưu ái ăn thử những món mới do các đầu bếp sáng tạo ra. Học menu không chỉ là học tên món ăn, thứ mà Đăng Thi thực sự được học đó là nguyên liệu và cách chế biến của món ăn đấy để có thể dễ dàng tư vấn phù hợp với khẩu vị của khách hàng. 

Sinh viên khi thực tập OJTtại nhà hàng sẽ được học và trải nghiệm các món ăn Âu – Á sang trọng

Trải nghiệm ở cả 2 vị trí là “Waiter” và “Order Taker”, anh chàng còn được “dịp” quan sát và học lỏm vài món ăn thường được phục vụ ở nhà hàng Fine Dining sau đó tự mình nấu thử ở nhà. Những hôm khách đông, Thi còn được dạy cách pha chế những đồ uống cơ bản như Cappuccino, Espresso, Latte, Americano…để hỗ trợ Bartender. 

Khi nhắc đến kỹ năng chính là phục vụ và chăm sóc yêu cầu của khách hàng, Đăng Thi luyện được khả năng linh hoạt để xử lý các trường hợp khác nhau cùng kĩ năng tư vấn và bán hàng cho khách. Cậu còn tự tin khoe chiến tích “upsell” 1 lần 8 chai bia bằng mẹo giao tiếp học được từ FBM mới của nhà hàng (Quản lý bộ phận Ẩm thực).

Với những nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ, sau 3 tháng OJT, Đăng Thi được các anh chị ngỏ lời muốn giữ lại làm nhân viên chính thức. 

“Thật sự đó là cơ hội không thể nào tốt hơn và mình cần phải nắm lấy. May mắn là kỳ này mình chỉ học 2 ngày trong tuần nên hoàn toàn có thể vừa đi học và đi làm, dẫu biết sẽ rất vất vả nhưng tuổi trẻ mà, phải luôn nắm lấy cơ hội và cố gắng không ngừng phát triển bản thân.” – Thi hào hứng chia sẻ về cơ hội ngàn vàng của mình. 

Bí kíp để tận dụng thật tốt những lợi ích của kỳ thực tập OJT

2 câu chuyện trên là minh chứng cho việc kỳ OJT là chiếc chìa khoá mở ra vô vàn các cơ hội học hỏi và trải nghiệm quý giá dành cho sinh viên ngành Quản trị Khách sạn! Nhưng làm sao để có thể tận dụng được chiếc chìa khóa vàng này? Cùng tham khảo một số lời khuyên dưới đây của Hải An và Đăng Thi!

Đối với Hải An, tuy đã có được công việc mơ ước nhưng cô nàng vẫn không lơ là việc học. 

An nhắn nhủ các khoá sau của khối ngành Khách sạn: “Thật ra mình nghĩ sau kỳ OJT mọi người cũng không nên áp lực về việc làm ở khoảng thời gian này. Quan điểm của mình vẫn sẽ là ưu tiên việc học. Vậy nên sau khoảng thời gian trải nghiệm này, mọi người vẫn nên sẵn sàng cho hành trình tốt nghiệp trong 1 năm tới nhé”

Ngoài ra, về phía Đăng Thi, cậu bạn chia sẻ tip số một để chuẩn bị thật tốt cho kỳ OJT chính là: “Hãy chuẩn bị cho bản thân 1 bản CV tốt nhất ngay từ học kỳ chuyên ngành 1 với các kinh nghiệm làm việc part-time trước đó tại các nhà hàng và khách sạn nhỏ hơn.”

Ngoài ra, cậu còn tập trung nhấn mạnh rằng trong quá trình thực tập phải ưu tiên 2 điều:

  • Điều 1: “Ăn nhiều vào” để có thể hiểu rõ hơn về thứ mà mình đang mang đến cho khách hàng. Càng hiểu rõ sản phẩm thì càng dễ tư vấn và chăm sóc khách hàng của mình. 
  • Điều 2: Đừng nghĩ mình chỉ là thực tập sinh. Mình vẫn luôn giữ cho bản thân suy nghĩ phải làm việc và cống hiến như một nhân viên chính thức của Shilla, mình sẽ sẵn sàng overtime cùng với những anh chị nhân viên khi cảm thấy công việc vẫn chưa xong, luôn nỗ lực để tìm kiếm cho bản thân những thử thách mới trong công việc, để những anh chị quản lí không chỉ nhìn mình với tư cách ” thực tập sinh” mà là một nhân viên thực thụ.
Đăng Thi được tham gia tiệc cuối năm của bộ phận như mọi nhân viên chính thức

Kỳ OJT sẽ dạy các Cóc nhiều bài học mới, đồng thời cũng sẽ giúp các Cóc trưởng thành hơn rất nhiều. Thực tập tại khách sạn, resort 5 sao nghe qua có vẻ thật lung linh, nhưng để thực sự biến kỳ OJT ấy trở nên lung linh như câu chuyện của các sinh viên khóa trước, các Cóc sẽ phải chủ động và nỗ lực hơn rất nhiều trong từng nhiệm vụ mà mình được giao tại doanh nghiệp. Hi vọng với những lời khuyên chân thật trên, các Cóc khoá sau sẽ có thể chuẩn bị thật tốt để bước vào học kỳ OJT ngành Khách sạn của chính mình.

Hồng Ân

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM