Kỳ thi Học bổng thường niên là một trong số những chủ đề thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn học sinh dành cho Đại học FPT trong thời gian gần đây. Thấu hiểu nỗi lo của hàng ngàn đơn đăng ký dự thi học bổng, bài viết này sẽ bật mí 3 dạng Toán logic “độc”, “lạ” có trong đề thi giúp các bạn trang bị kỹ lưỡng hơn cho kỳ thi sắp tới.
Tính toán Logic và IQ – Tưởng quen mà lạ
Dạng câu hỏi tính toán logic và IQ là các bài tập hay trò chơi đòi hỏi thí sử dụng trí tuệ và tư duy logic để giải quyết các câu hỏi hoặc bài toán. Đây cũng là một dạng đề xuất hiện ở phần 1 trong Kỳ thi học bổng của Đại học FPT.
Các câu hỏi trong dạng tính toán logic và IQ thường liên quan đến các dạng như tìm quy luật, tìm số tiếp theo trong dãy, tìm số khác biệt, chọn hình khác biệt, điền ký tự vào ô trống… Đây là những bài tập thường được sử dụng trong các chương trình đào tạo tư duy khi các bạn còn nhỏ hay trong bài kiểm tra IQ và các cuộc thi trí tuệ.
Tuy quen thuộc về dạng bài, nhưng về phương pháp tư duy có lẽ còn khá xa lạ với nhiều bạn. Với mục đích đánh giá khả năng tư duy logic, tính liên kết và sự thông minh, dạng toán này đòi hỏi sự nhanh nhạy trong suy nghĩ của thí sinh. Vì vậy, hãy thử giải những bài toán mẫu để bộ óc nhanh nhẹn của bạn được kích hoạt trước nhé!
Các dạng bài thường sẽ có trong đề thi Toán Tư duy của Đại học FPT như:
- Điền số tiếp theo/ còn thiếu trong dãy
- Tìm hình ảnh phù hợp trong dãy hình học có quy luật
- Tính toán xác suất
- Tính toán đại số và hình học
Câu hỏi có 2 điều kiện – Đúng hay sai, chỉ 2 là đủ
Phần tiếp theo của đề thi trong kỳ thi học bổng là các câu hỏi có 2 dữ kiện. Trong dạng toán này, người ta đưa ra một câu hỏi và hai dữ kiện. Học sinh cần phải xác định xem câu hỏi có thể được trả lời bằng một trong hai dữ kiện, cả hai dữ kiện để trả lời hoặc câu hỏi không thể được trả lời như đề.
Có năm phương án trả lời cố định cho tất cả các câu hỏi như sau:
- Dùng một dữ kiện (1) là đủ để trả lời, nhưng chỉ dùng (2) thì không đủ.
- Dùng một dữ kiện (2) là đủ để trả lời, nhưng chỉ dùng (1) thì không đủ.
- Phải dùng cả 2 dữ liệu mới đủ để trả lời, tách riêng thì không thể.
- Chỉ cần dùng 1 trong 2 điều kiện là đủ để trả lời câu hỏi.
- Cả 2 dữ kiện đều không đủ để trả lời.
Đây là dạng toán yêu cầu thí sinh có một góc nhìn khái quát và nắm rõ yêu cầu, ý nghĩa cốt lõi của đề bài. Không đơn thuần là “Làm sao để giải” mà còn là suy luận toàn diện từ đề bài cho đến đáp án.
Câu hỏi nhóm – Suy luận và liên kết trong Kỳ thi học bổng
Trước khi kết thúc bài thi toán Logic của Kỳ thi Học bổng, bạn sẽ phải hoàn thành dạng bài “Câu hỏi nhóm”. Giải thích về dạng bài này như sau: Sẽ có một đề bài tình huống, trong đó bao gồm một nhóm các câu hỏi nhỏ từ 3 – 5 câu. Thí sinh sẽ phải đọc thật kỹ những điều kiện đã cho trong đề bài chính để trả lời các câu hỏi nhỏ ở dưới.
Đây được đánh giá là dạng đề “rối rắm” nhất qua các năm thi, bởi các câu hỏi sẽ liên quan đến nhau và cần phải được giải quyết đồng thời để đưa ra một kết luận hoàn chỉnh. Các câu hỏi trong nhóm thường liên quan đến việc phân tích, so sánh, đánh giá và đưa ra quyết định.
Các câu hỏi trong nhóm này thường liên quan đến tình huống thực tế và yêu cầu thí sinh có khả năng suy nghĩ logic, phân tích và giải quyết vấn đề, yêu cầu thí sinh phân tích và giải quyết từng câu hỏi một để đưa ra kết luận cuối cùng.
Thoạt qua, có thể thấy được Kỳ thi học bổng thường niên của Đại học FPT quả thực không dễ dàng. Đừng lo, các bạn có thể theo dõi series livestream “Chinh phục đề thi học bổng Đại học FPT” – đồng hành cùng các bạn giải đề thi và giải đáp mọi thắc mắc về kỳ thi học bổng được phát sóng vào thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 7/4 trên kênh Tik tok chính thức của Đại học FPT Đà Nẵng – @daihocfptdanang.
Ái Liên