Nhận thấy những bất cập trong việc điểm danh ở môi trường đại học hiện nay, nhóm sinh viên ĐH FPT đã tạo ra một ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề này. Ứng dụng AI Attendance giúp sinh viên có thể chủ động trong việc điểm danh, từ đó có thể giảm đáng kể thời gian thực hiện công việc này trong mỗi buổi học cũng như giảm thiểu được sai sót của kết quả điểm danh.
Đề tài này được thực hiện bởi nhóm sinh viên gồm 5 bạn: Nguyễn Duy Bảo Nguyên, Nguyễn Hoàng My, Nguyễn Hồ Phương, Hà Hoàng Nhật, Hà Huy Thông với sự hướng dẫn của thầy Võ Đức Hoàng và cô Lý Quỳnh Trân.
Chia sẻ về cảm hứng để tạo ra sản phẩm, sinh viên Nguyễn Duy Bảo Nguyên – đại diện nhóm cho biết: “Nhận thấy các phương pháp điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt phổ biến hiện nay, vẫn còn nhiều điểm hạn chế trong việc vận hành nên chúng mình quyết định sáng tạo ra một hệ thống mới để kế thừa được những lợi thế của các phương pháp trước đó và hạn chế được những bất lợi vốn có trong việc điểm danh. Từ đó AI Attendance đã ra đời để hiện thực hóa giải pháp đó.”
Ngoài việc tiết kiệm thời gian cho mỗi buổi học thì hệ thống AI Attendance còn có 1 phiên bản web giúp cho giảng viên có thể quản lý những thông tin quan trọng trong hệ thống như: quản lý chuyên ngành, môn học, lớp học, thông tin của sinh viên và lịch học của các lớp trong hệ thống.
Đối với AI Attendance, sinh viên có thể tiến hành tự điểm danh bằng chính thiết bị di động của mình. Khi điểm danh, hệ thống sẽ kiểm tra khoảng cách của sinh viên với giảng viên, nếu khoảng cách giữa sinh viên và giảng viên trên 50m thì sinh viên dù có nhận diện khuôn mặt thành công cũng sẽ bị hệ thống tính là vắng mặt. Giảng viên chỉ cần đăng nhập vào hệ thống thì có thể kiểm soát việc điểm danh và quản lý lớp học. Điều này thuận tiện cho cả giảng viên và sinh viên vì nó thay thế được hình thức điểm danh truyền thống hiện nay, vừa không tiện lợi, lại dễ sai sót. Hạn chế tình trạng điểm danh giùm, đi học thay của một số bạn sinh viên.
“Nhóm sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm này trong thời gian tới, để tối ưu hóa việc lấy tọa độ của sinh viên và giảng viên giúp việc tính khoảng cách được chính xác hơn. Giảng viên có thể sửa đổi kết quả điểm danh kể cả khi không có kết nối mạng, kết quả sẽ được đồng bộ lên hệ thống khi thiết bị được kết nối mạng trở lại. Đồng bộ lịch học cũng như lịch dạy lên Google Calendar. Thiết kế thêm module phòng học trong phần quản lý lịch học của người quản lý để có thể dễ dàng hơn trong việc quản lý phòng học của lớp” – nhóm sinh viên ĐH FPT chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở một đồ án tốt nghiệp, nhóm sinh viên đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho hệ thống này và kỳ vọng hệ thống AI Attendance có thể sớm đi vào ứng dụng thực tế cho ngành giáo dục trong tương lai.
Phương Ly