Nếu hành trình chinh phục ngoại ngữ của bạn đang là một con đường dài quanh co lạc lối, đừng vội nản chí mà hãy thử áp dụng ngay những cách học hiệu quả sau đây được thầy cô Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh và Tiếng Nhật tại FPT Edu bật mí.
“Học là phải nói được”
Cô Lê Thị Kim Oanh, Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Nhật (FPTU Cần Thơ) cho biết “Nếu học một ngôn ngữ mà không thể tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ đó thì xem như chưa học. Vì vậy, các bạn luôn luôn ghi nhớ đã học ngoại ngữ là phải nói được. Học mẫu câu nào xong cũng nên đọc to và sử dụng nó trong một đoạn hội thoại để ghi nhớ hiệu quả hơn. Để luyện nghe nói khi học ngoại ngữ, các bạn có thể tham khảo phương pháp Shadowing. Đây là một phương pháp “Nghe – hiểu – lặp lại”, rất có ích cho việc luyện phát âm và cách nói tự nhiên như người bản xứ”.
Đánh giá cao vai trò của việc luyện nghe – nói, tuy nhiên nữ giảng viên xinh đẹp của FPTU Cần Thơ cũng nhấn mạnh để học tốt ngoại ngữ, sinh viên cần học đều các kỹ năng. “Học ngữ pháp và từ vựng xong các bạn có thể viết thành một câu. Có câu rồi thì hãy đọc to thành tiếng, biến nó thành một đoạn hội thoại trong một ngữ cảnh cụ thể. Tuy ngữ pháp rất quan trọng nhưng nếu bạn không nhớ nó dùng trong ngữ cảnh nào thì mãi mãi nó cũng chỉ là lý thuyết mà thôi “, cô Oanh cho biết.
Riêng với môn Tiếng Nhật, cô Oanh bật mí phương pháp học hiệu quả đó là đừng chỉ học ngôn ngữ mà hãy tìm hiểu cả về văn hóa, lịch sử, xã hội của quốc gia này. Vì ngôn ngữ là biểu hiện của văn hóa nên nếu có kiến thức về đất nước học, người học hiểu sâu sắc hơn về cách sử dụng ngôn ngữ.
“Ngoài ra, Kanji được xem là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa tiếng Nhật nên bước đầu cần học đúng cách viết Kanji theo thứ tự nét. Vì những chữ Kanji phức tạp thường là sự kết hợp của một số chữ hoặc một số bộ đơn giản. Các bạn có thể tập thay thế dần các chữ Hiragana bằng các chữ Kanji đã học. Học Kanji cần có sự kiên nhẫn, tích lũy và đam mê.
Điều quan trọng trong việc học Tiếng Nhật đó là cần lựa chọn cho mình phương pháp tự học phù hợp, chủ động trong việc tích lũy kiến thức. Hãy mạnh dạn trong việc thể hiện năng lực bản thân để phát hiện ra lỗi sai của mình và sửa nó ngay trong thời gian còn đang đi học.
Đừng quên, việc học Tiếng Nhật ở trường đại học không phải chỉ để thi có bằng năng lực tiếng Nhật. Đây còn là cơ hội để sinh viên rèn luyện và trau dồi các kỹ năng cần thiết khác như làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý thời gian… Vì vậy, ngoài việc học trên lớp, các bạn không nên bỏ lỡ cơ hội tham gia các cuộc thi thú vị như NihongoEng để học hỏi, trải nghiệm và thử thách bản thân mình”, cô Oanh chia sẻ.
“Liều + Chai mặt + ‘Tự sướng’ cao độ”
Bộ 3 bí kíp này là phương pháp học Tiếng Anh hiệu quả từ kinh nghiệm của cô Vi Thị Bảo Thoa, Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh tại BTEC FPT Hà Nội. Cô Thoa chia sẻ “liều” ở đây tức là không nên chờ đến lúc hiểu hết, biết hết, chuẩn hết mới dám nói, dám viết, mà hãy lao vào làm. “Học tiếng Anh nên là quá trình thử – sai lặp đi lặp lại. Thường thì ngay chính trong quá trình thử – sai đó, người học sẽ tự nhận ra được rất nhiều lỗi và tự sửa được cho mình (Self-correction).
Để liều được và liều nhiều lần thì cần chai mặt. Trong quá trình thử – sai của mình, các bạn sẽ có thể phải “muối mặt” vì những lỗi sai rất sơ đẳng và ngỡ ngẩn của bản thân, hoặc cảm thấy tự ti khi xung quanh có những người đang-tạm-thời giỏi hơn. Chai mặt khi đó là điều tốt, vì nó là mặt “try”.
Còn “‘Tự sướng’ cao độ” có thể hiểu đơn giản là học cách “mừng công” với mọi thành tựu đạt được trong quá trình học. Mừng công khi áp dụng một cấu trúc vào trả lời 1 câu hỏi của giáo viên trên lớp. Mừng công khi có thể đọc đúng được một từ bấy lâu nay đọc sai. Học cách tưởng thưởng cho bản thân mình sau mỗi nỗ lực học tập nghiêm túc là cách các bạn tạo ra self motivation (động lực bản thân) để duy trì việc học tập và đạt đến mục tiêu đề ra.
Hình thức ăn mừng vô cùng đa dạng, không nhất thiết phải to tát, tốn kèm và rùm beng. Có thể chỉ là một dấu tick nhỏ xíu trong một danh sách những việc cần làm, hay khi còn là sinh viên, mỗi khi đạt 1 điểm 8 kỹ năng viết (kỹ năng khó nhằn với cô) thì sẽ tự thưởng cho mình 5 phút nghe We are the Champion của Queen” – Cô Thoa chia sẻ.
“Phải có động lực rõ ràng và đủ mạnh”
Đúc kết từ quá trình chinh phục ngoại ngữ của chính mình, thầy Nguyễn Cường (Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Nhật, FPTU Hà Nội) cho rằng việc xác định động lực và động lực đủ mạnh là thành tố quan trọng đầu tiên giúp việc học ngoại ngữ đạt hiệu quả. “Ví dụ với trường hợp của mình, ngay từ ngày xưa mình đã xác định rõ Tiếng Nhật sẽ là “cần câu cơm” nên luôn đầu tư tối đa thời gian để học. Còn về phương pháp học cụ thể thì keyword của mình là “bắt chước”, bắt chước tất cả những gì mình thấy là hay, từ cách nói, cách phát âm cho đến hành văn… Bắt chước xong sau đó phải căn chỉnh và biến nó thành cái riêng của bản thân mình” – Thầy Cường cho biết.
Cũng theo “trưởng môn” Tiếng Nhật của FPTU Hà Nội, muốn học giỏi ngôn ngữ của Nhật Bản, trước hết hãy học theo ý thức trách nhiệm và kiên trì của họ đối với bản thân, công việc, tập thể, xã hội… Họ luôn đặt ra yêu cầu và mục tiêu rất cao trong mọi việc, từ những điều nhỏ nhất. Đây chính là chìa khóa thành công của người Nhật. Có được sự kiên trì, trách nhiệm sẽ học tốt hơn những con chữ tượng hình phức tạp, vốn gắn liền với văn hóa.
Ngoài ra, với từng kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, thầy Cường cũng bật mí một số bí kíp để học sinh, sinh viên có thể áp dụng hiệu quả trong quá trình học Tiếng Nhật, cụ thể: “Khi học nói hãy bắt chước thật nhiệt tình. Khi đọc hãy đọc và dịch ra tiếng Việt không bỏ sót một chữ. Khi nghe, hãy nghe từ mọi nguồn có thể (phim, nhạc, radio, trực tiếp từ thầy cô…) vào mọi lúc (khi học, khi đi xe bus, khi ngủ…) và tạo thời gian để viết script lại. Cuối cùng là với kỹ năng viết, vẫn nên áp dụng việc bắt chước về văn phong, cách dùng từ. Nhưng quan trọng là trước khi viết phải hình thành được ý tưởng, làm rõ điều muốn nói. Đặc biệt với chữ Hán (Kanji) thì phải luyện viết hàng ngày”.
“Lầm bầm (mumble) bằng Tiếng Anh khi ở một mình”
Phương pháp học Tiếng Anh thú vị và hiệu quả này là bí kíp mà cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh, FPTU Hà Nội) muốn chia sẻ cho các bạn học sinh, sinh viên. Nói một cách dễ hiểu thì có khi nào bạn tự lẩm bẩm với mình những suy nghĩ trong đầu bằng tiếng Việt chưa? Ít nhiều thì cũng vài lần đúng không, vậy tại sao chúng mình không thử lẩm bẩm bằng tiếng Anh, tự nói chuyện với chính mình bằng ngôn ngữ này để luyện nói hàng ngày?
Bên cạnh đó, cô Hoa cũng cho rằng để học tốt ngoại ngữ, các bạn học sinh, sinh viên nên tận dụng tối đa cơ hội để học ở mọi lúc mọi nơi. “Bạn có thể học từ mới ngay từ những thông tin trên chai dầu gội, lọ kem dưỡng da, nghe những bài hát yêu thích và học hát theo, hoặc xem phim và bắt chước lại đoạn hội thoại mà mình thấy thú vị. Để mở rộng vốn từ mới, bạn có thể học hàng ngày trên các nền tảng như Quizlet, Memrise hoặc đọc truyện ngắn bằng Tiếng Anh. Ngoài ra việc tra từ điển Anh – Anh hoặc tham gia các cuộc thi ngôn ngữ như FPT Edu NihongoEng cũng là một cách nâng trình Tiếng Anh hiệu quả” – Cô Hoa chia sẻ.
Vòng Chung kết FPT Edu NihongoEng 2021 dự kiến diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 29/11. Ngay từ hôm nay, HSSV Tổ chức Giáo dục FPT có thể đăng ký tham gia cuộc thi tại: https://bit.ly/NihongoEng2021.
Theo FPT Edu