Theo Dân trí – Sang Singapore làm việc lần này, cũng giống như những chuyến xuất ngoại trước, Phạm Huy Hoàng lượm lặt được nhiều kiến thức, trải nghiệm thực tế cho bản thân…
Anh đều đặn viết bài trên blog, làm video Youtube, tiếp tục truyền cảm hứng tới những người trẻ yêu thích lập trình thông qua góc nhìn thực tế nhưng cũng rất hài hước của riêng mình.
Học công nghệ nhưng thích viết lách
Những bạn trẻ hay “lang thang” trên blog cách đây 5-6 năm đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích CNTT bắt đầu biết đến Phạm Huy Hoàng như một “tay ngang” duyên dáng, dí dỏm trong việc viết lách. Học ngành Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT, bên cạnh đam mê với những dòng code, Huy Hoàng lại có niềm vui khác lạ là viết những gì mình học được, những kinh nghiệm bản thân cho là hữu ích lên blog cá nhân. Dần dần blog “Tôi đi code dạo” của Hoàng được nhiều bạn trẻ biết tới, theo dõi.
Cá tính của một chàng sinh viên công nghệ vừa khoa học, logic vừa phóng khoáng, hóm hỉnh được thể hiện rất rõ qua các bài viết trên blog của Hoàng. Những nội dung mà anh chàng cựu sinh viên ĐH FPT này chia sẻ không ít lần gây xôn xao cộng đồng blogger mê IT vì “không chỉ có kiến thức lập trình khô khan mà còn có cả những kỹ năng mềm, kinh nghiệm “xương máu” của bản thân”. Hoàng tập hợp các bài viết của mình thành một số cuốn ebook như “Bảo mật nhập môn – Bảo mật cơ bản cho developer”, “Nhập môn lập trình không code” lưu hành miễn phí trong cộng đồng sinh viên ĐH FPT. Năm 2017, anh phát hành cuốn sách “Code dạo ký sự – Lập trình viên đâu phải chỉ biết code”, bán được 800 cuốn ngay ngày đầu ra mắt. Hoàng còn tập tành làm video trên Youtube, nội dung không nằm ngoài những kiến thức, kinh nghiệm làm việc trong ngành IT và cũng được nhiều bạn trẻ đón nhận.
Đến nay, blog “Tôi đi code dạo” đã có hơn 8 triệu view, trung bình có hơn 300.000 view/ tháng. Kênh Youtube của Hoàng có hơn 180.000 lượt theo dõi. Cuốn sách “Code dạo ký sự” đã in và phát hành hơn 6.000 bản.
Những lần phiêu diêu “đi code dạo”
“Code dạo là cách nói hóm hỉnh của đám sinh viên ở ĐH FPT, cũng là cách “dọa” khéo của giảng viên trường mình kiểu bây giờ không học thì sau này chỉ có đi code “dạo” kiếm sống thôi.” Hoàng chia sẻ trong một bài viết trên blog của mình. Ấy vậy mà theo anh chàng này, “code dạo” không hề vô bổ như nhiều người vẫn nghĩ. Huy Hoàng thích cảm giác đi đây đi đó, trải nghiệm cuộc sống, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm hữu ích từ thế giới lập trình rộng lớn bên ngoài góc làm việc hay giảng đường. Bởi vậy, ngay từ khi còn là sinh viên, ngoài việc học, Hoàng đã thử sức ở nhiều vai trò, công việc khác nhau trong đó có viết lách. Anh còn tìm kiếm cơ hội sang nước ngoài để “code dạo” ở môi trường có tính cạnh tranh khắc nghiệt “cho biết”.
Tốt nghiệp ĐH FPT, Huy Hoàng nhận được học bổng trị giá 18.000 bảng Anh và quyết định theo học Thạc sỹ Khoa học máy tính tại ĐH Lancaster (Anh). Chuyến xuất ngoại này cũng là cơ hội để Hoàng có được trải nghiệm lần đầu phiêu diêu “đi code dạo” bởi “Khi đó, mình vừa học vừa làm thêm ở phòng IT của trường với vai trò full-stack developer tức là lập trình viên cả mảng front-end và back-end.” Hoàng chia sẻ. Hoàn thành chương trình Thạc sỹ, Hoàng nghĩ “sẵn mang tiếng “code dạo”, chu du nước ngoài một thời gian, tự tin với khả năng của mình có thể xin việc ở các công ty nước ngoài”. Hoàng xin được việc ở công ty nước ngoài thật, nhưng là sau khi trải nghiệm quá trình đi qua 5 quốc gia: Singapore, Thái Lan, Hà Lan, Áo, Đức; xin việc trong 20 ngày; bị từ chối không dưới 5 lần nhưng cũng nhận được 5 lời mời làm việc.
Quá trình phỏng vấn với nhà tuyển dụng nước ngoài, đặc biệt là các công ty ở châu Âu cho anh chàng này nhiều kinh nghiệm thú vị. Hoàng bộc bạch: “Đừng sợ trượt vì kiểu gì bạn cũng trượt ở một lần phỏng vấn nào đó thôi, cứ tự tin nói tiếng Anh, tìm hiểu thông tin về công ty một cách kỹ càng, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng và đừng quên gửi email cảm ơn sau buổi phỏng vấn.” Cựu sinh viên ĐH FPT đã trải qua nhiều vị trí công việc, ở các công ty, các quốc gia khác nhau. Càng đi, trải nghiệm và làm việc ở nước ngoài, Hoàng càng tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm: “Mình học được nhiều điều, ví dụ như để trở thành một team leader đúng nghĩa cần học hỏi không ngừng, tạo môi trường làm việc thoải mái cho thành viên trong team, học cách làm việc với các team khác hay tầm quan trọng của kỹ năng mềm…”
Hành trình truyền cảm hứng
Dù bận rộn với công việc của một lập trình viên tại Singapore nhưng Hoàng vẫn giữ thói quen viết lách, làm video Youtube chia sẻ kinh nghiệm làm việc, trải nghiệm cuộc sống của mình. Nhiều chia sẻ của anh truyền động lực theo đuổi CNTT cho các bạn trẻ. Hoàng kể: “Lê Ngọc Trường là một người bạn, cũng học ngành Kỹ thuật phần mềm ở ĐH FPT. Hồi còn đi học, Trường hay theo dõi các bài viết, video mình đăng lên kênh cá nhân để định hướng bản thân và học hỏi kinh nghiệm. Đến giờ, lâu lâu Trường vẫn nhắn tin nhờ mình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn, các công nghệ mới… Hiện tại, Trường đã đi làm vài năm, đang là team leader cho một công ty khởi nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.”
Chưa bao giờ đặt mục tiêu những bài viết, chia sẻ của mình phải trở nên nổi tiếng hay trở thành “bí kíp gối đầu giường” cho các bạn trẻ theo đuổi CNTT nhưng Hoàng luôn viết, làm video với tất cả tâm huyết của mình. Bởi, với những trải nghiệm đã có của bản thân ở môi trường ĐH, Hoàng thấu hiểu, nếu được dẫn dắt và truyền động lực học tập, việc theo đuổi và thể hiện tối đa năng lực bản thân trong ngành CNTT sẽ dễ dàng hơn. “Thời sinh viên ở ĐH FPT, mỗi khi gặp khó khăn, mình thường tìm tới sự giúp đỡ với bạn bè hoặc đàn anh khóa trên. Họ đều rất nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ mình.” Hoàng kể. Học ĐH FPT, anh cũng có cơ hội gặp gỡ người có ảnh hưởng lớn tới nghề nghiệp của mình hiện tại. “Đó là thầy Kiều Trọng Khánh, một giảng viên ĐH FPT. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà cả đam mê, hứng thú với lập trình cho mình ngay từ những ngày đầu học ĐH.” tác giả “Tôi đi code dạo” tâm sự.
Những nguồn cảm hứng với có được từ môi trường ĐH khiến Hoàng không chỉ chọn gắn bó với nghề lập trình mà còn chọn con đường chia sẻ, tiếp tục lan tỏa kiến thức, trải nghiệm của mình tới các bạn trẻ.
Theo Dân trí