Đi nước ngoài một học kỳ cực “fun” nhưng cũng thử thách khả năng thích ứng cực cao của sinh viên ĐH FPT. Đi về, ngoài kiến thức, hầu như sinh viên nào cũng tự trang bị cho mình một “rổ” bài học “xương máu”.
Trưởng thành từ những kỹ năng sống cơ bản
Đi học nước ngoài, dù trong thời gian một học kỳ, cũng là thử thách đối với các sinh viên lần đầu xa gia đình. Nhiều sinh viên ĐH FPT phải học cách chăm sóc bản thân như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, dậy đúng giờ… Đó đều là những kỹ năng sống cơ bản nhưng nhiều bạn không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tự thực hiện, không có sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Khi đang là sinh viên năm nhất ĐH FPT, Quỳnh đăng ký tham gia Học kỳ nước ngoài tại HELP University Colledge (Malaysia). Đây là lần đầu Quỳnh đi nước ngoài, tự lập trong cuộc sống và việc học. “Với cô nhóc mới 18 tuổi, quen được bố mẹ cưng chiều như mình, khi sang nước ngoài học là lúc phải tự lập và trưởng thành hơn, bắt đầu từ những việc đơn giản như quản lý thời gian và công việc của bản thân hàng ngày. May mắn, mình được đi học cùng 2 cô bạn nên nên dễ dàng bảo ban nhau cùng “xanh chín.” Hoàng Như Quỳnh (sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH FPT) chia sẻ.
Tìm cách thích nghi với văn hóa, môi trường
Nhiều sinh viên ĐH FPT chia sẻ, môi trường giàu trải nghiệm ở ĐH đã cho các bạn một “phản xạ tự nhiên” để có thể nhanh chóng thích nghi với văn hóa, môi trường và những người bạn mới. Càng thích nghi nhanh, sinh viên ĐH FPT càng có nhiều thời gian và cơ hội hòa nhập, khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới lạ trong thời gian một học kỳ ở nước ngoài. Như Quỳnh cũng là một nữ sinh như thế. Cô bạn thường xuyên tham gia hoạt động CLB, các sự kiện sinh viên nên đã khá quen với việc bắt chuyện cùng những người bạn mới, hòa nhập vào một tập thể với văn hóa khác biệt. Thậm chí, kết thúc học kỳ nước ngoài, đến giờ, Quỳnh vẫn giữ liên lạc với một vài người bạn.
Tuy nhiên, có một vài thứ Quỳnh thích nghi nhưng không thích thú cho lắm: “Mình bị dị ứng với nguồn nước ở khu căn hộ nơi mình ở. Nguyên nhân là do một sự cố khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Lúc đó, mình chẳng còn cách nào khác, vẫn phải sinh hoạt bình thường và cố để nó không ảnh hưởng đến những việc khác.” nữ sinh ĐH FPT kể.
Sử dụng tiện ích công nghệ hỗ trợ trải nghiệm
Với những sinh viên ĐH FPT, trải nghiệm học tập ở nước ngoài bao giờ cũng cực kỳ thú vị vì ngoài giờ học, các bạn được tự do khám phá các địa điểm du lịch, văn hóa sở tại. Hoàng Như Quỳnh cùng bạn bè của mình cũng đã có một chuyến trải nghiệm ấn tượng khi thăm thú Kuala Lumpur.
“Mình cùng mấy người bạn đặt taxi công nghệ đến Quảng trường Độc lập Merdeka. Lúc về, trời đã hơi tối và địa điểm xa trung tâm nên chúng mình không thể nào đặt được xe. Cả nhóm đành vừa đi bộ vừa dò Google Map trên điện thoại. Mắn mắn là kỹ năng dò Google Map của chúng mình khá tốt nên đã tìm được đúng đường về nhà.” Quỳnh hóm hỉnh kể lại. Sau chuyến thăm thú vui những cũng “hú hồn” này, cô bạn nhận ra, điện thoại với những tiện ích công nghệ không chỉ để chụp ảnh, đăng Facebook đếm like, tim… cho vui mà còn có tác dụng hỗ trợ cuộc sống của những người trẻ yêu thích khám phá nhưng còn ít trải nghiệm thực tế hoặc lần đầu đến sống tại một đất nước xa lạ như Quỳnh. Những trải nghiệm công nghệ có được ở ĐH FPT phần nào giúp Quỳnh không quá bỡ ngỡ trong việc sử dụng tiện ích trên Internet hỗ trợ cuộc sống của mình.
Chương trình mà các sinh viên như Hoàng Như Quỳnh tham gia được gọi là Học kỳ nước ngoài – Semester Abroad. Chương trình này được ĐH FPT chính thức triển khai từ năm 2013. Theo đó, sinh viên sẽ được đăng ký 1 học kỳ nước ngoài tại các trường đối tác của ĐH FPT với học phí chỉ bằng một học kỳ trong nước. Kết quả học tập của sinh viên trong thời gian này được công nhận và chuyển đổi sang chương trình của nhà trường nếu nội dung học tương đương.
Ngoài Học kỳ nước ngoài, sinh viên ĐH FPT còn có thể tham gia thực tập tại các doanh nghiệp quốc tế trong khoảng 6 tháng trước khi tốt nghiệp.
Theo Saostar