Theo Tuổi Trẻ – Ở độ tuổi 29, trong khi nhiều người vẫn đang loay hoay tìm kiếm một công việc ổn định, buồn phiền vì sự nghiệp “dậm chân”, Lê Văn Quý Hoàng đã đảm nhận vị trí CTO (Chief Technology Officer – Giám đốc công nghệ) tại ACWorks CO., Ltd., Nhật Bản. Tuy nhiên, để đạt được thành tựu đó, ít ai biết cựu sinh viên ĐH FPT đã từng đi qua những thất bại, dám bước ra ngoài vùng an toàn để tìm hướng phát triển mới cho bản thân.
Đánh mất để tìm thấy chính mình
Quý Hoàng vốn là một “con nhà người ta” chính hiệu khi thời niên thiếu đã sở hữu thành tích học tập đáng nể, cấp III lại đỗ vào trường chuyên danh tiếng Quốc học – Huế. Thế nhưng, người tài năng thường thất bại vì tự mãn, Hoàng thừa nhận những năm tháng phổ thông dù học trường chuyên lớp chọn nhưng anh lại…rất ham chơi, luôn dành hết thời gian cho những trò chơi bên ngoài hơn là những tiết học trên lớp. “Những năm tháng cấp III tôi chỉ để tâm hồn nơi đường phố, bài vở trên lớp tôi chỉ xem một cách hời hợt, luôn nghĩ rằng chỉ cần đọc hiểu khi về nhà là mọi việc sẽ ổn. Nhưng dần dần mọi thứ trở nên tệ đi, đứng giữa một tập thể luôn tràn ngập những ngôi sao Toán, Lý, Hóa, tôi bắt đầu cảm thấy lạc lõng, thành tích học tập cũng tụt dốc. Đỉnh điểm là khi kỳ thi Đại học đến, đầu ốc trống trơn. Rớt đại học – Đó là cảm giác khó khăn nhất trong đời mà tôi không bao giờ quên được” – Hoàng nhớ lại.
Hai tháng sau khi trượt đại học, gia đình động viên Hoàng theo học một trường Cao đẳng về Công nghệ thông tin. Nhập học với tâm tý không tốt nên năm nhất giảng đường cứ thế trôi qua một cách tẻ nhạt và vô nghĩa. Mọi sự chỉ thay đổi khi Hoàng ngồi suy xét nghiêm túc lại bản thân, tự hỏi mình buồn vì cái gì, không học hành chăm chỉ thì thi trượt là lẽ đương nhiên, nên chấp nhận sự thật và tìm cách đứng lên thay vì gục ngã.
Thay đổi tư duy và làm mới mình bằng cách đổi luôn cả chỗ trọ, Hoàng gặp lại những người bạn cũ đang là sinh viên ĐH FPT. Thấy năm nhất mà các bạn chỉ chú tâm học ngoại ngữ thay vì chuyên ngành, anh chàng không khỏi tò mò, hứng thú nhưng cũng đầy hoài nghi về một chương trình đào tạo “lạ”. Nhận ra chỉ khi nào bước chân vào ĐH FPT thì những hoài nghi của mình mới được thỏa mãn, Hoàng quyết định nghỉ học Cao đẳng, xách ba lô rời Đà Nẵng để theo đuổi ngôi trường màu cam. Có mục tiêu và quyết tâm rõ ràng, anh chàng chính thức trở thành sinh viên K7 ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT Đà Nẵng.
Từ bỏ một tương lai an toàn, được gia đình định hướng sẵn, quyết định mạo hiểm của Hoàng những tưởng phải trả giá đắt nhưng trái lại, anh nhận được rất nhiều. Hoàng bảo ở Việt Nam không thiếu trường Đại học, nhưng để luân chuyển giữa các cơ sở mà vẫn giữ được chương trình đào tạo xuyên suốt như ĐH FPT thì anh cho là rất hiếm. Không bỏ lỡ cơ hội được đi xa để học và trải nghiệm, Hoàng quyết định chuyển ra ĐH FPT Hà Nội từ năm 3. Lần chuyển trường này, hành trang anh mang theo không còn là sự buồn bã, xấu hổ hay tò mò. Thay vào đó là sự hào hứng thích nghi, nóng lòng trải nghiệm và tự tin rằng quyết định của mình là làm khác để làm tốt.
Cánh cửa mở cho người quyết tâm và dũng cảm
Không có gì là bỗng nhiên dễ dàng, không có thành công nào từ trên trời rớt xuống. Nhưng bù lại, không có sự cố gắng nào lại không được đền đáp một cách công tâm. Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Giỏi, Hoàng một lần nữa thử thách bản thân khi xách vali sang Nhật để tìm hướng phát triển mới. “Từ Huế vào Đà Nẵng rồi ra Hà Nội, điểm đến tiếp theo tại sao không phải ngoài biên giới Việt Nam?”. Suy nghĩ đó đã kích thích và thôi thúc Hoàng đi xa để trải nghiệm nhiều hơn, đơn giản vì “mình còn trẻ”.
Một năm đầu ở nước bạn, Hoàng chủ yếu dành thời gian để học tiếng ở trường Nhật ngữ, sáng đi học chiều làm thêm ở quán sushi, sau này là các công ty phần mềm để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Khi vốn tiếng Nhật ổn hơn, Hoàng bắt đầu tìm việc chính thức và đỗ vào một doanh nghiệp ở Osaka. “Nhật” gia tùy tục, 9X cho biết môi trường làm việc ở xứ mặt trời mọc rất đặc thù, nhiều người khó thích nghi hoặc không thể theo kịp sẽ rất dễ từ bỏ. “Có rất nhiều quy tắc cần phải biết, thậm chí là phải học kỹ, từ việc giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp cho đến việc gửi mail, đối ứng với khách hàng. Nhân viên nào cũng đặt vị trí và lợi ích công ty của mình lên trên, nên tinh thần làm việc rất cao độ, cống hiến” – Hoàng cho biết.
Căng thẳng, khắc nghiệt nhưng cũng rất chuyên nghiệp, Hoàng bảo nếu nhìn theo hướng tích cực thì môi trường Nhật Bản chính là cơ hội để anh rèn luyện tính cách và phong cách làm việc tốt hơn. Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi về bí kíp thành công, CTO 9X vẫn rất khiêm nhường cho rằng không nghĩ mình thành công mà chỉ “đang trên đường chinh phục những thử thách mới”. Bí kíp để biến những thử thách đó trở nên trong tầm với, không gì khác ngoài sự quyết tâm, bản lĩnh và kiên định với mục tiêu. Có mục tiêu rồi thì phải lên kế hoạch rõ ràng và phải thực sự bắt tay vào làm thay vì ngồi mơ mộng.
“Muốn có một vị trí công việc tốt, các bạn trẻ trước hết phải không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn. Nhất là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, tính chất công việc phát triển và thay đổi từng ngày nên nếu không update bản thân ngay hôm nay, ngày mai bạn hoàn toàn có thể bị thay thế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bạn lập trình viên thường chỉ chú ý đến chuyên môn công việc mà ít chú ý, quan tâm đến những vấn đề xung quanh. Thiếu kỹ năng mềm nên khi chuyển sang các vai trò cao hơn như leader, các bạn không được đánh giá cao về khả năng teamwork, giao tiếp, thuyết trình, khó cảm nhận, thấu hiểu đến những vấn đề dù là nhỏ nhất của đội ngũ mà mình quản lý. Các kỹ năng này không phải ai cũng có nên cần có thời gian để học hỏi và xây dựng dần” – Hoàng chia sẻ.
Bật mí về dự định sắp tới, Hoàng cho biết không chỉ trong nước Nhật, hiện công ty anh đang trong giai đoạn mở rộng sản phẩm ra thị trường ra thế giới. Với vai trò là CTO – chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật cho các sản phẩm, chàng cựu sinh viên ĐH FPT muốn cố gắng tập trung làm tốt hơn nữa để cùng đồng đội sớm đạt được mục tiêu này. Hoàng cũng chia sẻ do tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, lại sống ở nước ngoài nên anh rất nhớ và lo lắng cho người thân, bạn bè ở Việt Nam, mong tình hình sớm ổn định để có thể về nước thăm gia đình.
Theo Tuổi Trẻ