3 bài nói chuyện có thể giúp thay đổi tư duy Toán học tại MOD 2021

Ngày hội Toán học mở 2021 sẽ có sự góp mặt của 3 Phó Giáo sư đầu ngành Toán học: PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, PGS.TS Đức (David) Trần. Những câu chuyện lý thú về Toán học, những bài giảng dành riêng cho từng đối tượng khác nhau được kỳ vọng sẽ khơi gợi cảm hứng cũng như thay đổi tư duy Toán học cho người tham dự.

Ngày hội Toán học mở 2021 với chủ đề “Toán học cho một thế giới tốt đẹp hơn” sẽ diễn ra tại campus Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu tại Đà Nẵng vào ngày 18/4. Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Tổ chức Giáo dục FPT và Sở Giáo dục – Đào tạo TP Đà Nẵng.

Đây là lần đầu tiên Ngày hội Toán học mở diễn ra tại TP Đà Nẵng và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người yêu thích Toán học.

PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Bài chia sẻ đại chúng: “Thế giới của chúng ta rộng lớn hay bé nhỏ?”

Toán học không chỉ là những khái niệm, con số khô khan mà trở nên sinh động, lý thú qua bài chia sẻ “Thế giới của chúng ta rộng lớn hay bé nhỏ?” của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học, PGĐ Trung tâm Unesco Toán học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo VinIF).

“Chúng ta đang sống trên quả địa cầu rộng lớn này, vẫn là quả địa cẩu của 300 năm trước khi những bài toán đồ thị đầu tiên được manh nha. Nhưng những cuộc cách mạng về khoa học đi qua đã làm thay đổi thế giới, thay đổi các bài toán mà chúng ta đặt ra. Đồ thị của thế kỷ 18 đã khác đồ thị của thế kỷ 20, khác xa đồ thị của thế kỷ 21. Đồ thị càng ngày càng đóng một vai trò lớn trong khoa học và cuộc sống, và là thành phần cốt yếu của toán rời rạc và khoa học máy tính – những chuyên ngành của hai nhà toán học vừa đạt giải Abel năm 2021, Avi Wigderson và László Lovász. Bài giảng này sẽ giúp chúng ta qua lăng kính đồ thị trả lời được câu hỏi: thế giới của chúng ta rộng lớn hay bé nhỏ”.

“Bài giảng này sẽ giúp chúng ta qua lăng kính đồ thị trả lời được câu hỏi: thế giới của chúng ta rộng lớn hay bé nhỏ”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung – Bài giảng chuyên môn: “Giáo dục Toán thực – Một cách hiểu đầy đủ về việc dạy toán gắn với thực tiễn và sự phù hợp với mục tiêu Chương trình môn Toán 2018”

Nếu bài giảng của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương phù hợp với mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn có niềm yêu thích về Toán thì bài giảng của PGS.TS Nguyễn Tiến Trung (Phó Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) lại được thiết kế đặc biệt hướng tới đối tượng là các thầy cô, các chuyên viên đào tạo bộ môn Toán.

“Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu sẽ giới thiệu về lí thuyết Giáo dục Toán thực (Realistic Mathematics Education-được hình thành từ Hà Lan từ khoảng những năm 1970 và phát triển, vận dụng và tiếp tục nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới). Dạy học theo lí thuyết này, giáo viên sẽ giúp học sinh kiến tạo được các tri thức toán học, vận dụng các tri thức toán học trong cuộc sống, trong thực tiễn và đặc biệt giúp học sinh nâng cao hứng thú trong học tập. Học sinh sẽ cảm thấy môn Toán có ý nghĩa với họ hơn, với cuộc sống hơn, bớt cảm thấy nhàm chán và sợ học môn Toán hơn.

Đồng thời, báo cáo này cũng nhằm giúp các giáo viên có những hướng dẫn cũng như những ví dụ ban đầu cho việc khai thác các nhiệm vụ, bối cảnh thực tiễn vào dạy học môn Toán trong nhà trường (THCS, THPT). Việc này cũng sẽ góp phần giúp giáo viên nâng cao hứng thú dạy và học toán cũng như thực hiện tốt hơn Chương trình Giáo dục môn Toán mới hiện nay”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung từng tham gia bồi dưỡng giáo viên Toán cả ba miền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về các nội dung liên quan đến “Tích hợp trong dạy học Toán”, “Dạy học môn Toán thông qua chuyên đề dạy học”, “Dạy học môn Toán gắn với thực tiễn”.

PGS. TS Đức (David) Trần – Bài giảng chuyên môn: “Giới thiệu công nghệ Blockchain: Lý thuyết và Ứng dụng”

PGS.TS Đức (David) Trần hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Phòng Nghiên cứu Tính toán mạng, Đại học Massachusetts (Boston, Hoa Kỳ) và là Thành viên cao cấp của Hiệp hội Tính toán thế giới (ACM), Hiệp hội Điện/Điện tử thế giới (IEEE).

“Công nghệ Blockchain được coi là một đột phá lớn chỉ đứng sau sự ra đời của Internet. Đa số mọi người chỉ biết đến Blockchain như là nền tảng tạo dựng ra Bitcoin, Ethereum, và các đồng tiền số khác, nhưng giá trị lớn nhất của công nghệ này là cho phép hiện thực hoá một xã hội được trợ giúp bởi kỹ thuật số, nơi mọi người đều có thể tham gia đóng góp, cộng tác và giao dịch mà không cần phải hoài nghi về sự tin cậy và minh bạch.

Vì thế, Blockchain đã và đang cách mạng hóa cách mà các ứng dụng được phát triển để phục vụ con người, với ảnh hưởng trong hầu hết mọi lĩnh vực, bao gồm tài chính, giáo dục, sức khỏe, môi trường, và du lịch. Bài nói chuyện này là một giới thiệu ngắn gọn về công nghệ Blockchain, nó xuất phát từ đâu, hoạt động như thế nào, có thể ứng dụng ra sao, và các kiến thức cơ bản gói gọn cần phải biết để có thể bắt đầu phát triển một dự án về blockchain”.

Sinh viên được cập nhật thông tin về vai trò cách mạng hóa của Blockchain trong hầu hết mọi lĩnh vực như: tài chính, giáo dục, sức khỏe, môi trường và du lịch.

Ngày hội Toán học mở là chuỗi các chương trình về toán nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh – sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và những nhà giáo dục tới từ nhiều tỉnh thành có dịp cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của toán học.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên những người yêu Toán tại TP Đà Nẵng được trải nghiệm một sự kiện Toán học có mặt các chuyên gia Toán học nổi tiếng trong nước cũng như tham gia các hoạt động giàu tính ứng dụng như Ngày hội Toán học mở 2021.

Theo fpt.edu.vn

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM