10 kỹ năng giúp sinh viên ĐH FPT hoàn thành xuất sắc kỳ thực tập doanh nghiệp OJT

Bước vào một kỳ OJT (On the job training) kéo dài từ 4 – 8 tháng, càng có nhiều kỹ năng ứng dụng tốt trong công việc thì sinh viên sẽ càng được nhà tuyển dụng đánh giá cao trong kỳ thực tập. Vậy cụ thể, các bạn cần có những kỹ năng gì để có một kỳ OJT gặt hái nhiều thành quả như ý muốn?

1. Thái độ tích cực, chủ động

Có rất nhiều nghiên cứu về các thành tố làm nên sự thành công của mỗi con người, tiêu biểu là nghiên cứu của nhà khoa học Carol Dweck tại đại học Stanford. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thái độ làm việc dùng để dự đoán sự thành công, chứ không phải chỉ số IQ. Thái độ chiếm đến 70% thành công của mỗi con người. Có thái độ làm việc tốt, bạn sẽ luôn chủ động nắm bắt công việc mình cần làm là gì.

Dĩ nhiên sẽ có nhiều trường hợp bất ngờ khiến bạn gặp khó khăn và nản lòng. Nhưng trước khi đầu hàng hoặc tìm người chịu trách nhiệm, hãy thử đặt suy nghĩ của mình theo nhiều góc độ khác nhau, tìm ra mặt tích cực của vấn đề và từ đó để tìm hướng giải quyết. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện ra các ý tưởng mới, táo bạo và sáng tạo.

2. Kỹ năng giao tiếp

Một ngày nào đó, bạn đột nhiên phải rời ghế nhà trường và đến làm việc tại một công ty, cuộc sống của bạn sẽ không chỉ là thầy cô, bạn bè nữa. Bạn phải làm quen với nhiều hình thức giao tiếp khác nhau: trao đổi trực tiếp qua lời nói, email hoặc chương trình nội bộ của công ty,… Những đối tượng bạn tiếp cận gồm: đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, đối thủ, người nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi hơn,… Kỹ năng giao tiếp trở nên cực kỳ quan trọng lúc bấy giờ.

Đây không chỉ là kỹ năng quan trọng trong cuộc sống mà nó còn quan trọng cả trong công việc. Thông qua giao tiếp, mọi người có thể đánh giá được kiến thức, phẩm chất, tính cách của bạn. Ngược lại, bạn cũng có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý của người đối diện và có thể dễ dàng thuyết phục, làm hài lòng họ hơn.

3. Kỹ năng làm việc nhóm

Chắc chắn khi bạn đi thực tập bạn sẽ tiếp cận với môi trường làm việc theo nhóm và kỹ năng làm việc nhóm là không thể thiếu được. Bạn cần biết cách để hòa hợp vào nhóm, nhạy bén trong các vấn đề của nhóm và phối hợp cùng mọi người làm việc để cả nhóm cùng đạt được mục tiêu. Và theo nghiên cứu từ các chuyên gia, khi làm việc theo nhóm có hiệu quả cao hơn nhiều so với làm việc đơn lẻ.

4. Chịu áp lực tốt

Hầu hết sinh viên đi thực tập đều gặp phải một vấn đề là môi trường thực tế khác xa với lý thuyết. Không còn ai dẫn dắt, chỉ có cấp trên giao nhiệm vụ và bạn phải hoàn thành bằng mọi giá. Áp lực về deadline, thời gian, khối lượng công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên… đổ dồn vào bạn cùng một lúc. Khi đó, bạn buộc phải giữ cho mình một cái đầu lạnh. Sự tỉnh táo và sắp xếp công việc hợp lý sẽ giúp bạn vượt qua kỳ thực tập.

5. Phân tích vấn đề nhanh nhạy

Nhận việc và hoàn thành chúng là điều tốt. Nhưng nếu bạn hiểu được công việc thực sự phục vụ cho điều gì, vì sao lại làm như thế sẽ càng tốt hơn. Bởi vì, chỉ làm mà không biết rõ là đang làm gì thì sao có thể tối ưu cách thức làm việc.

6. Tinh thần cầu thị và tiếp thu

Dù bạn còn đi học hay bắt đầu đi thực tập, đi làm, thì tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi luôn là điều cần thiết để phát triển bản thân. “Học, học nữa, học mãi”, kiến thức không bao giờ là đủ. Hãy đón nhận mọi ý kiến đánh giá từ đồng nghiệp, cấp trên với thái độ cầu thị và tích cực nhất. Từ đó rút kinh nghiệm và mang về cho bản thân những điều bổ ích.

7. Nghiêm túc và trách nhiệm

Nhiều bạn thực tập sinh hay than vãn với những công việc như rót nước, pha trà, photo, đánh máy nhưng hãy nhớ rằng bất kỳ công việc nào cũng đều sẽ mang lại cho bạn những kinh nghiệm và cả kỹ năng chỉ cần bạn nghiêm túc và có trách nhiệm làm đến nơi đến chốn.

8. Quản lý thời gian hợp lý

Để đảm bảo phân bổ quỹ thời gian hợp lý cho việc thực tập, việc học và nghỉ ngơi bạn cần xác lập một thời khóa biểu cho mình. Bạn có thể mang theo một quyển sổ nhỏ để note lại những công việc cần làm hàng tuần, hàng ngày kèm với deadline để không bị quên. Và hãy sắp xếp công việc có thứ tự ưu tiên, tránh những yếu tố khách quan làm bạn lơ là trong khi làm việc như mạng xã hội, điện thoại cá nhân, không gian xung quanh.

9. Không ngại dấn thân, thử sức

Thực tập thực tế tại doanh nghiệp chắc chắn sẽ khiến nhiều bạn “sốc” vì khác xa với lý thuyết trên lớp. Khi đó, điều bạn cần làm là đừng ngại xông pha, đừng ngại đặt câu hỏi, tình nguyện làm các công việc, nhiệm vụ bổ sung. Hãy mạnh dạn hỏi cấp trên, đồng nghiệp thay vì cứ lẳng lặng thực hiện và mắc lỗi. Điều này sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm quý giá.

10. Đặt mục tiêu cho bản thân

Một trong những điều đáng tiếc nhất cho kì thực tập của bạn là không nỗ lực hết sức với công việc. Nếu bạn đang làm việc như một thực tập sinh, bạn cần biết rằng mình đang nằm trong tay một cơ hội quý giá để trải nghiệm. Vì vậy đừng hạ thấp mình xuống vì cái mác “sinh viên thực tập” và tự cho phép mình lười biếng hoặc thiếu nghiêm túc. Hãy đặt ra mục tiêu mình cần đạt được những gì sau kỳ thực tập này và nỗ lực hết sức hoàn thành nó.

Tổng hợp

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM