Sinh viên ĐH FPT có thể chơi thành thạo từ một tới nhiều loại nhạc cụ, thậm chí có thể biểu diễn tại các chương trình giao lưu văn hoá trên toàn quốc. Những trải nghiệm này giúp sinh viên khám phá năng lực âm nhạc, lại có thể khai phá không ít thế mạnh tiềm ẩn.
Xem thêm: Sinh viên ĐH FPT trải nghiệm học và chơi nhạc cụ dân tộc ở những không gian nên thơ thế này
Con hào hứng, cha mẹ hoang mang
Lưu Vũ Quỳnh Trang – K15 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm từng hình dung học nhạc tại ĐH FPT là một loại hình nghệ thuật phương Tây như guitar, organ… Khi tìm hiểu sâu hơn, cô bạn không nén nổi sự ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của các loại nhạc cụ truyền thống trong chương trình học tập chính khoá.
“Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên “gene âm nhạc” của mình cũng khá trội. Ở trong môi trường đậm tính dân tộc như ĐH FPT, giáo dục thể chất thì học Vovinam, nhạc thì học nhạc cụ truyền thống, một lần nữa tình yêu nhạc của mình bùng lên và mình ngày càng say mê với bộ môn nghệ thuật này. Giờ mình có thể chơi thành thục sáo trúc và đàn bầu, cũng như tham gia CLB Nhạc cụ truyền thống để lan tỏa tình yêu âm nhạc nói chung và yêu nhạc cụ truyền thống nói riêng tới tất cả các bạn sinh viên”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Phạm Đức Dương cũng là một trong những Gen Z “thấm đẫm” văn hoá Việt từ các giờ học nhạc cụ truyền thống ở ĐH FPT. Ngoài môn học chính khoá là đàn tranh, nam sinh cũng tìm hiểu và chơi được thêm đàn nguyệt. Đối với Đức Dương, điều cuốn hút nhất phải kể tới âm thanh của nhạc cụ. khi kết hợp hoà tấu, âm thanh như quyện lại vào nhau đưa đến cho người nghe một thứ âm nhạc rất Việt Nam.
Nếu như sinh viên ĐH FPT hào hứng thử sức với những trải nghiệm mới lạ thì không ít phụ huynh lại bộc lộ sự hoang mang. Nhiều ý kiến trái chiều như “học để làm gì”, “liệu có ảnh hưởng tới việc học chuyên ngành”… cũng được đưa ra nhưng những giá trị mà mỗi sinh viên nhận lại đã khiến gia đình chuyển từ phản đối sang ủng hộ.
Càng giàu trải nghiệm càng dễ thành công
Nhắc tới những trải nghiệm ở ĐH FPT làm thay đổi mình, Quỳnh Trang luôn nói về “âm nhạc truyền thống”. Từ một người chân ướt chân ráo bước vào ngành kĩ thuật, đã rất nhiều lúc Trang gặp stress. Nhưng thay vì nghỉ ngơi hoặc đi chơi, Trang lại tìm đến hai bảo bối là sáo trúc và đàn bầu. Chỉ cần tiếng đàn cất lên là bao mệt mỏi, căng thẳng trong cô bạn dường như biến mất và Trang lại có tinh thần để quay trở lại công việc.
“Khi đến một tập thể mới, không phải lúc nào mình cũng có thể hòa nhập ngay được và lúc đó việc biết 1 loại nhạc cụ đã giúp mình có cơ hội biểu diễn giao lưu, làm quen với mọi người một cách dễ dàng. Mình còn có một ban nhạc chuyên chơi nhạc cụ truyền thống theo phong cách hiện đại, chúng mình cũng đã có cơ hội đứng trên nhiều sân khấu lớn nhỏ cả ở trong và ngoài nước. Thực sự rất tự hào và hãnh diện khi được là một trong những bạn trẻ giữ gìn, giới thiệu, quảng bá nét văn hoá của Việt Nam đến tất cả mọi người”, Trang nói.
Đồng tình với quan điểm này, Đức Dương cũng cho rằng nhạc cụ truyền thống tôi luyện cho người tập nhiều phẩm tính quan trọng. Tập đàn tuy dễ dàng khi bắt đầu nhưng để thành thạo thì không phải là chuyện ngày một ngày hai. Tập đàn mỗi ngày không chỉ để giảm bớt áp lực học tập mà còn luyện cho người trẻ tính kiên trì. Ngoài ra khi tập cùng những người có chung sở thích, ta sẽ có được một bầu không khí tuyệt vời.
Rất nhiều sinh viên ĐH FPT đã bước ra thế giới với những thanh âm đậm hồn quê đất Việt. Đó không chỉ là một môn học mà còn là trải nghiệm cần thiết để bồi đắp tình yêu thương, cảm nhận về cuộc sống nhiều màu sắc hơn và tiếp nhận những năng lượng tích cực đến với mình.