Trường Đại học FPT có lẽ là ngôi trường khác biệt khi đưa tất cả những môn học có phần ‘lạ lùng” như học kỳ quân sự, Vovinam, nhạc cụ dân tộc vào chương trình giảng dạy cho sinh viên, từ năm nhất. Sinh viên không những được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn được chú trọng ngoại ngữ và phát triển kỹ năng mềm toàn diện.
1. Tháng rèn luyện tập trung
Vừa chân ướt chân ráo vào trường, ngay sau Lễ Khai giảng, sinh viên trường Đại học FPT lập tức ‘hành quân’ đến khu quân sự cách trường khoảng 40 km. Một tháng ăn, ngủ, nghỉ, học tập và rèn luyện như những người lính bắt đầu như thế. Mấy nghìn sinh viên đều ‘diện’ quần áo bộ đội, đội mũ tai bèo, dậy từ 5-6 giờ sáng tập thể dục theo đúng tác phong nhà binh. Sau đó, tất cả lên giảng đường học. Buổi chiều của các bạn được bắt đầu bằng những giờ học thực tế như đội hình đội ngũ, tháo lắp súng… trên thao trường. Hết giờ học, sinh viên có những đêm hoà mình vào hoạt động văn hoá, nghệ thuật cây nhà lá vườn.
Thách thức và đáng nhớ nhất với các bạn sinh viên này có lẽ là đêm hành quân kết thúc học kỳ quân sự. Tất cả khoác ba lô trên vai, hành quân từ tờ mờ sáng đến địa điểm cách ‘doanh trại’ khoảng 30 km. Nắng hay mưa, là nam hay nữ, tất cả đều phải vượt qua thử thách sức bền và tinh thần đồng đội này. Học kỳ quân sự để lại cho những tân sinh viên này bài học đầu tiên về phong cách sống, tính kỷ luật và cả những câu chuyện ‘nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò’ đáng nhớ trong suốt 1 tháng bên nhau.
2. Vovinam – môn võ cổ truyền của dân tộc được đưa vào giảng dạy
Vào đại học được bonus thêm khả năng quyền cước và bộ võ phục bao ngầu. Giáo dục thể chất ở nhiều trường đại học thường là các môn chạy bền, bóng chuyền, bơi lội… nhưng ở trường Đại học FPT, Vovinam mới là môn giáo dục thể chất 100% sinh viên phải hoàn thành. Bước vào năm nhất, sinh viên khoác lên mình bộ võ phục xanh truyền thống của bộ môn, làm lễ nhập môn Vovinam và bước vào luyện tập những đường quyền cơ bản nhất. Nhiều sinh viên có tố chất còn được các thầy bộ môn và câu lạc bộ Vovinam bồi dưỡng, phát triển các kỹ thuật khó hơn như đối kháng, biểu diễn với đao hoặc côn.
Để ‘qua môn’, sinh viên cần đạt lam đai hai. Cứ ngỡ, võ vẽ qua môn là xong nhưng hoá ra, Vovinam trở thành đam mê của một số bạn sinh viên trong trường. Đến nỗi, trường có hẳn giải thi đấu Vovinam mang tên ‘Võ Việt tranh hùng đoạt Cóc Vương’. Nhiều sinh viên đại diện trường thi đấu đạt giải cao tại ‘Giải vô địch Vovinam học sinh sinh viên toàn quốc’. Năm 2018, hơn 7.000 nghìn sinh viên cùng đồng diễn Vovinam, thiết lập kỷ lục ‘Võ đường Vovinam lớn nhất Việt Nam’ tại các cơ sở Đại học FPT toàn quốc.
3. Nhạc cụ dân tộc
Không phải chỉ trong phim cổ trang mới có cảnh các tiên đồng ngọc nữ gảy đàn. Ở Đại học FPT sinh viên nào cũng có khả năng chọn học lớp độc tấu “bài tủ” bằng một loại nhạc cụ dân tộc nào đó.
Có lẽ, ít có Lễ Khai giảng, Lễ Tốt nghiệp ở trường đại học nào mà tiết mục nhạc cụ dân tộc do sinh viên biểu diễn đã trở thành truyền thống không thể thiếu như ở trường Đại học FPT.
Từ năm nhất, sinh viên đã có bộ môn nhạc cụ dân tộc trong chương trình chính khoá. Với các loại: sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống, sinh viên có thể lựa chọn nhạc cụ mình yêu thích để theo học. Mỗi lớp học có tối đa 15 sinh viên. Mỗi môn học gồm 60 tiết chia làm 30 buổi theo khung chương trình của trường ĐH này. Sinh viên trường cũng có hẳn câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, cùng nhau đàn hát ở nhiều sự kiện, hoạt động ngoại khoá.
Ở Đại học FPT, sinh viên được học những môn học ‘lạ lùng’ trên ngay từ năm đầu. Những bộ môn này trở thành điểm khác biệt trong chương trình đào tạo của Đại học FPT so với các trường ĐH khác đồng thời trở thành trải nghiệm học tập lý thú, mới lạ với các bạn trẻ tại đây.