Vào đại học là một trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Chính vì vậy, các bạn tân sinh viên cần tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết để có được những năm tháng học tập thật hiệu quả, tránh những rủi ro không mong đợi khi bước vào một môi trường mới. Dưới đây là những hành trang cho tân sinh viên cơ bản nhất, hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Kỹ năng học tập trên lớp
Không giống như một lớp học ở bậc trung học với số lượng học sinh ít và nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên. Một lớp đại học có thể có số lượng sinh viên nhiều hơn, các giảng viên ở đại học cũng chỉ có nhiệm vụ giảng dạy chứ không “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên như những cấp học trước. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng học tập trên lớp cho tân sinh viên là vô cùng cần thiết.
Muốn tiếp thu tốt kiến thức trên giảng đường, sinh viên cần rèn luyện cho mình sự tập trung cao độ khi nghe giảng. Nếu bạn là một người dễ bị phân tâm, hãy chọn ngồi bàn đầu. Ngoài ra, sinh viên cần rèn luyện khả năng ghi chép nhanh hay còn gọi là tốc ký, ghi chép có chọn lọc những ý chính, những phần trọng tâm. Việc ghi chép có ý thức sẽ giúp cho các bạn sinh viên tập trung hơn, hiểu sâu và nhớ lâu hơn bài giảng.
2. Kỹ năng tự học
Kỹ năng tự học là một trong những hành trang cho tân sinh viên. Học tập trên lớp chỉ chiếm khoảng 30% thành công của bạn trong môi trường đại học, 70% còn lại được quyết định bởi việc tự học.
Đầu tiên, bạn cần tìm một không gian học tập yên tĩnh, thoáng đãng, có ánh sáng tốt, tránh tối đa các tác động từ bên ngoài. Tiếp theo là lên thời khóa biểu học tập, hãy chọn những khoảng thời gian tốt nhất cho việc học của bạn rồi lên lịch, biến nó thành một thói quen, một việc phải duy trì mỗi ngày.
Việc lên lịch học tập sẽ giúp cho các bạn sinh viên rèn luyện tính kỷ luật bản thân, tránh được những cám dỗ từ bên ngoài như những buổi shopping, những cuộc đi chơi thâu đêm suốt sáng đặc trưng của sinh viên mới lên thành phố học.
Bên cạnh đó, việc tạo cảm hứng học tập cũng là một điều vô cùng quan trọng, hãy đặt ra một mục tiêu cụ thể ngắn hạn và liên tục nghĩ đến nó trong quá trình học tập. Hoặc, hãy luôn nghĩ rằng “mình là một sinh viên siêng năng, có ý thức học tập tốt hơn những sinh viên khác”, việc suy nghĩ như vậy sẽ làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh, như một chất xúc tác rất hiệu quả cho cảm hứng học tập của bạn.
3. Kỹ năng quản lý thời gian
Không như thời cấp 3, cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh việc đến trường, học thêm và học ở nhà vì đã có ba mẹ lo từ A đến Z. Còn khi đã là sinh viên, bạn sẽ phải tự làm tất cả mọi việc. Bên cạnh việc học, cuộc sống tự lập xa nhà sẽ khiến bạn tiêu tốn nhiều thời gian cho hàng tá những việc không tên. Chưa kể ngoài ra, bạn còn phải tham gia rất nhiều hoạt động khác như hoạt động Đoàn, Khoa, của Câu lạc bộ hay đi làm thêm. Vậy nên, việc các bạn cần làm là lên một thời gian biểu các việc cần làm hằng ngày để tránh bị lơ là vào các công việc vô nghĩa như lướt mạng xã hội, chat với bạn bè,… Sử dụng các ứng dụng nhắc nhở trên điện thoại để hỗ trợ việc quản lý thời gian.
Đối với việc làm thêm, bạn cần tìm kiếm một công việc phù hợp, thời gian làm việc hợp lý để vừa học vừa làm. Hãy cố gắng sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, hoàn thành công việc trong thời gian đã lên kế hoạch.
4. Kỹ năng quản lý chi tiêu
Khi học xa nhà, bạn sẽ được gia đình chu cấp cho một khoản tiền để trang trải cuộc sống. Có thể đó sẽ là lần đầu các bạn tân sinh viên phải tự mình tính toán, cân nhắc cho các khoản chi tiêu cho cuộc sống xa nhà. Vì vậy, bạn cần học kỹ năng quản lý chi tiêu sao cho hợp lý để tránh tình trạng “viêm màng túi” cuối tháng. Khi mà bạn còn phụ thuộc vào gia đình thì việc “lỡ” tiêu một khoản tiền lớn sẽ trở thành vấn đề không nhỏ với bạn.
Khi quyết định đi mua sắm, bạn chỉ nên mua những thứ bạn CẦN chứ không phải những thứ bạn THÍCH. Các bạn có thể chia tiền hàng tháng thành nhiều khoản nhỏ và lên sẵn kế hoạch cho từng khoản chi tiêu. Như vậy, bạn sẽ tránh được tối đa các khoản phí phát sinh.
5. Kỹ năng giải tỏa căng thẳng
Lần đầu tiên tự lập xa nhà với rất nhiều những áp lực từ việc học hành, các vấn đề về tiền nong, các mối quan hệ xung quanh,… dễ khiến các tân sinh viên rơi vào stress. Việc đầu tiên bạn cần làm là ngăn chặn stress bằng cách chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng và suy nghĩ một cách tích cực. Nếu rơi vào stress, bạn hãy dành cho mình chút thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách đi dạo, nghe nhạc, chơi thể thao hoặc gặp gỡ bạn bè,…
Để có thể cân bằng được cuộc sống ở một môi trường mới không phải là một điều dễ dàng cho các tân sinh viên lần đầu sống tự lập xa gia đình. Nếu đã trang bị cho mình đầy đủ các kỹ năng cơ bản nêu trên thì còn chần chừ gì nữa, vác balo lên và sẵn sàng trải nghiệm một cuộc sống đại học đáng mong đợi thôi nào!
Thủy Triều