Nam sinh FPTU được mệnh danh là “bậc thầy tư duy không gian” hạ “mắt thần” Tuấn Phi tại Siêu trí tuệ Việt Nam

Thanh Niên – Trở lại Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 ở vòng chung kết và đối đầu với “mắt thần” Tuấn Phi, “bậc thầy tư duy không gian” Đức Giang đến từ ĐH FPT Hà Nội đã dành chiến thắng.

Dù được đánh giá lợi thế khi có trí nhớ ngắn hạn tốt, Tuấn Phi (trái) cuối cùng không vượt qua “bậc thầy tư duy không gian” Đức Giang.

Trước thử thách Mê trận cánh quạt của Tuấn Phi và Đức Giang tại vòng chung kết Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2, giám khảo Dương Anh Vũ chia sẻ: “Phần thi này, tuyển thủ nào có short-term memory (trí nhớ ngắn hạn) về tranh trừu tượng tốt, tuyển thủ đó sẽ có ưu thế. Tuấn Phi là người có năng lực short-term memory tốt hơn, khả năng nhớ tranh ảnh trừu tượng của Tuấn Phi rất tốt”.

Tuấn Phi và Đức Giang với thử thách Mê trận cánh quạt.

Khá bất ngờ khi Đức Giang đề nghị từ chối quyền ghi nhớ trong 60 phút đầu và chỉ vận dụng tư duy không gian của mình để thực hiện thử thách. “Với năng lực của mình là chuyên về không gian kèm theo đó là về quan sát, phần thi này đã thi đấu trên quốc tế rồi nên mình nghĩ mọi người đều dự đoán được cách giải. Vậy nên mình muốn tăng độ khó lên, không cần dùng ghi nhớ. Bản thân mình là người không luyện ghi nhớ nên việc quan sát trước hay sau không quan trọng”, Đức Giang nói. Tuấn Phi đáp lại: “Vì Giang đã bỏ quyền quan sát 60 phút nên mình cũng sẽ bỏ quyền quan sát 60 phút để công bằng cho cả hai”.

Giám khảo Lại Văn Sâm đánh giá cao Tuấn Phi khi đưa ra quyết định này: “Tôi chắc rằng nếu Đức Giang không đưa ra đề nghị đấy thì Tuấn Phi vẫn cứ dùng thời gian 60 phút để quan sát. Bởi thế mạnh của Tuấn Phi là dựa trên những cái quan sát của bạn. Cho nên Tuấn Phi đã rất dũng cảm…”.

Quan sát đề số 3, Đức Giang cho biết: “Bức tranh thứ 3 thì dễ nhận dạng hơn là một nửa quạt chỉ có màu đen và màu xanh thì mình sẽ sử dụng yếu tố liên kết ngang, tưởng tượng ra đấy có thể là màu sắc của cái lá hoặc một dải cỏ”. Với Tuấn Phi, khi quan sát đề số 1, cũng đề ra chiến thuật: “Với đề thi số 1, khi quan sát mình đã tưởng tượng ra được đấy là 1 bức tranh về hoa hồng trên sân khấu nên bức nào hoa hồng thì mình sẽ lưu lại”. Trong khi Đức Giang chọn cách nhìn bao quát khi quan sát thì Tuấn Phi vẫn chậm rãi đi đến từng nơi để quan sát thật kỹ.

Tuấn Phi đã bị nhầm bởi vì hình ảnh của 2 cây quạt quá giống nhau…

Bắt đầu với đề thi thứ 2, Tuấn Phi “dựa vào các nếp gấp ở phía bên trái sẽ có màu của nước và phía bên phải sẽ có màu của đất, mình biết đâu là một chiếc quạt bờ hồ và đất liền. Từ đó loại bỏ những bức tranh gây nhiễu”. Nhận diện được một số đặc điểm tương đồng với Tuấn Phi, Đức Giang “để ý 3 nếp gấp ngoài cùng ở bên tay trái đấy có thể là một dòng sông và vài đường nét thì mình đoán nó có thể là con thuyền hoặc bến cảng…”. Ở bức tranh cuối cùng, Tuấn Phi tiếp tục sử dụng năng lực tưởng tượng không gian, trong khi Đức Giang lại đi một nước khá mạo hiểm với đề số 1: “Đề cho là tổng số quạt cần tìm là 10, thế nên giả thuyết là đề số 2 và đề số 3 là 2 cây vì vậy mình đặt cược vào việc đề số 1 có 6 cây. Ở đề số 1, độ khó nằm ở việc là có rất nhiều cây quạt mà khi gấp lại, hình hiển thị của bông hoa chỉ là từng nếp nhỏ mà các nếp chỉ chênh nhau 1 đến 2 nan quạt”.

Cách quan sát bao quát và chiến thuật chặt chẽ của mình giúp Đức Giang nhanh chóng hoàn thành thử thách ở thời gian 10 phút 47 giây. Trong khi đó, Tuấn Phi vẫn rất bình tĩnh, tỉ mỉ quan sát và hoàn thành thử thách ở thời gian 16 phút 29 giây.

Khi kết quả xổ đáp án, Đức Giang và Tuấn Phi hầu như đều chính xác cho đến cây quạt cuối cùng. Song Tuấn Phi đã bị nhầm bởi vì hình ảnh của 2 cây quạt quá giống nhau, Đức Giang nhờ tư duy suy luận của mình đã tìm ra cây quạt chính xác và giành chiến thắng.

Theo thanhnien.vn

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM

Đừng chần chừ, Đại Học FPT sẽ hỗ trợ bạn!