Hỏi nhanh đáp gọn về Constructivism

Thuyết kiến tạo (Constructivism) được đưa vào triển khai trong một số môn học tại ĐH FPT từ kỳ Summer 2021. Thầy Huỳnh Văn Bảy (Trưởng ban Đào tạo ĐH FPT Cần Thơ) – một trong những giảng viên trực tiếp giảng dạy theo phương pháp này đã có những chia sẻ xoay quanh Constructivism.

Phóng viên (PV): Thưa thầy Huỳnh Văn Bảy, Constructivism hiểu một cách cơ bản là gì ạ?

Thầy Huỳnh Văn Bảy: Nói một cách dễ hiểu, Constructivism là phương pháp này khuyến khích sinh viên (SV) tự học, tự nghiên cứu và thông qua đó tự xây dựng kiến thức cho mình dựa trên những thực nghiệm cá nhân và áp dụng trực tiếp vào môi trường học tập của các em. Phương pháp này lấy SV làm trung tâm của tiến trình dạy học, còn giảng viên (GV) đóng vai trò tổ chức điều khiển và kiểm soát quá trình tự học của SV.

Phương pháp dạy học này sẽ mang lại những hiệu quả vượt trội hơn khi ứng dụng công nghệ thông tin. Và hiện tại ĐH FPT đang áp dụng nền tảng EduNext vào quá trình giảng dạy.

Thầy Huỳnh Văn Bảy là một trong số những giảng viên giảng dạy theo phương pháp Constructivism trong kỳ Summer 2021.

PV: Những đặc trưng (khác biệt) lớn nhất của Constructivism so với phương pháp dạy và học kiểu thầy giảng – trò nghe là gì ạ?

Thầy Huỳnh Văn Bảy: Constructivism có 2 đặc trưng, khác biệt so với phương pháp thầy giảng – trò nghe:

  • Đối với GV: Sẽ hạn chế và thậm chí là không thực hiện lối thuyết giảng truyền thống trên lớp, mà thay vào đó là GV chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn cho SV cách học bài, cách nghiên cứu bài trước khi đến lớp. Khi lên lớp, GV sử dụng bộ câu hỏi kiến tạo đã chuẩn bị kỹ càng trừ trước, đặt câu hỏi và SV/nhóm SV lần lượt trả lời dựa vào tài liệu, sách giáo khoa,… mà GV yêu cầu xem trước khi đến lớp. Tuỳ vào chất lượng câu trả lời của SV/nhóm SV mà GV cho điểm.
  • Đối với SV: Cần xem bài/tài liệu trước khi đến lớp. Khi đến lớp, SV chủ động trả lời các câu hỏi mà GV nêu, lắng nghe/xem câu trả lời của SV để từ đó rút ra kiến thức cho bản thân. Trong quá trình trả lời câu hỏi, thì SV cũng có thể phản biện câu trả lời của SV khác/nhóm khác, việc này giúp SV hiểu rõ bản chất của vấn đề hơn, từ đó thu kiến tạo kiến thức cho mình chắc chắn hơn.

PV: Vì sao ĐH FPT chọn Constructivism mà không phải là 1 phương pháp nào khác để áp dụng vào việc dạy và học trong thời đại công nghệ 4.0, thưa thầy?

Thầy Huỳnh Văn Bảy: Đổi mới phương pháp bắt đầu từ việc cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học, hướng vào người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều, và như vậy phương pháp Constructivsm là chọn lựa tuyệt vời trong bối cảnh hiện nay.

Thông qua phương pháp này sẽ rèn luyện cho SV nhiều kỹ năng như: Kỹ năng tự học (các em phải đọc/học bài trước khi đến lớp); Tư duy phản biện (SV phải trả lời các câu hỏi kiến tạo và phản biện câu trả lời của các bạn khác); Kỹ năng làm việc nhóm (SV làm việc nhóm với nhau trong suốt quá trình học); Kỹ năng thuyết trình (có những câu hỏi kiến tạo yêu cầu SV/nhóm SV lên trình bày, chia sẻ quan điểm/giải pháp của mình trước lớp); Kỹ năng hợp tác và cộng tác (SV trong nhóm phải cộng tác với nhau để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề chung của nhóm mà câu hỏi kiến tạo đặt ra);…

Phương pháp này đang hướng đến việc trang bị cho SV ĐH FPT những kỹ năng cốt lõi của công dân thế kỷ 21.

PV: Thầy có thể chia sẻ, đưa Constructivism vào triển khai từ kỳ Summer 2021, giảng viên và sinh viên ĐH FPT có thể gặp phải những khó khăn gì?

Thầy Huỳnh Văn Bảy: Giảng viên, sinh viên có thể gặp phải 2 khó khăn lớn:

  • Phía GV: Thay đổi cách dạy – thói quen dạy kiểu cũ
  • Phía SV: Thay đổi cách học – thói quen học kiểu cũ, cần có thời gian định hướng, dẫn dắt và khích lệ.

PV: Là người công tác tại ĐH FPT Cần Thơ, từ điều kiện thực tế dạy và học, thầy nhận thấy có thuận lợi gì khi đưa Constructivism vào triển khai ạ?

Thầy Huỳnh Văn Bảy: Khi triển khai ở kỳ Summer 2021, công tác giảng dạy ở ĐH FPT Cần Thơ có những thuận lợi:

  • Phía GV: GV rất nhiệt huyết, mong muốn đổi mới, làm khác để làm tốt hơn. Tất cả đều hướng tới mục tiêu mang lại giá trị tốt nhất cho người học. Mặt khác hệ thống EduNext là công cụ đang hỗ trợ GV khá tốt trên lớp khi tổ chức cho SV gửi câu trả lời, comment và vote.
  • Phía SV: Tại các lớp đang áp dụng học Constructivism, các em cũng nhiệt tình hưởng ứng. Bước đầu, các em có cố gắng nghiên cứu bài trước khi đến lớp, vào lớp thì tập trung gửi câu trả lời, comment, vote,… giảm hiện tượng mất tập trung.

PV: Thầy đánh giá như thế nào về việc tiếp cận phương pháp mới của các bạn sinh viên ĐH FPT Cần Thơ?

Thầy Huỳnh Văn Bảy: Tôi đang dạy 1 lớp thuộc kỳ 9 (lớp SE1302), môn SSC102 – Business Communication. Đánh giá chung của tôi là:

  • SV có nghiên cứu bài trước, nhưng tỷ lệ này chưa cao, cần tiếp tục hướng dẫn, khích lệ thêm các em.
  • Vào lớp SV tập trung nghiên cứu câu hỏi kiến tạo, đưa ra câu trả lời, comment và vote đánh giá chéo lẫn nhau. Đây là dấu hiệu tốt trong giai đoạn đầu học theo phương pháp Constructivism.

Còn để đánh giá được mức độ lãnh hội kiến thức của SV (tự kiến tạo) từ phương pháp giảng dạy này, phải chờ đến khi kiểm tra cuối kỳ.

PV: Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ trên!

Constructivism là phương pháp giảng dạy và học tập khuyến khích người học xây dựng kiến thức của riêng họ và thể hiện kiến thức từ trải nghiệm của mình.

Tại ĐH FPT, Constructivism đã được nghiên cứu và bắt đầu đưa vào triển khai, áp dụng cho một số môn học bắt đầu từ kỳ Summer 2021.

Theo FPT Edu

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM

Đừng chần chừ, Đại Học FPT sẽ hỗ trợ bạn!