Điểm mới năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ đưa dữ liệu đăng ký thi, đăng ký nguyện vọng của thí sinh lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã cho biết như vậy khi nói về những điểm mới trong phương án thi năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo thứ trưởng Sơn, thi tốt nghiệp THPT trên máy tính và thành lập các trung tâm Khảo thí độc lập là hai vấn đề sẽ được triển khai trong các năm tới.
Phóng viên: Năm 2021, xu hướng tổ chức công tác tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT cũng như mong muốn của các trường ĐH sẽ như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chủ trương của Bộ GD&ĐT cũng như sự đồng thuận, thống nhất của các trường ĐH là sẽ giữ ổn định các phương thức xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, có điều chỉnh về kỹ thuật để làm sao công tác đăng ký xét tuyển, thi, lọc ảo phát huy được thế mạnh từ trước đến nay. Đồng thời, tiếp tục tạo thuận tiện hơn cho thí sinh và nhẹ nhàng hơn cho các trường.
Các trường tăng cường vai trò tự chủ; với những trường yêu cầu năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến cáo và thống nhất làm sao kết hợp thành các nhóm để tổ chức bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ có thể dùng kết quả để tuyển sinh cho nhiều trường.
Điểm mới năm 2021, đó là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ đưa dữ liệu đăng ký thi, đăng ký nguyện vọng của thí sinh lên cổng dịch vụ công quốc gia; yêu cầu các trường chuẩn bị thông tin có xác thực và có thẩm định thông tin để đưa lên cổng.
Trong tầm nhìn dài hạn hơn, sẽ cố gắng xây dựng trung tâm khảo thí độc lập. Các trung tâm này có nhiệm vụ làm dịch vụ cung cấp kết quả thi cho các trường ĐH xét tuyển bằng các đề thi chuẩn hóa. Các bài thi này có thể được tổ chức nhiều lần trong năm, kết quả đó các trường có thể dùng chung với những yêu cầu khác nhau.
Các trường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT giữ vai trò chủ đạo trong việc này. Tất nhiên, Bộ mong muốn phát huy cao nhất quyền tự chủ của các trường. Trong chừng mực nào đó, Bộ có hỗ trợ để công tác tuyển sinh diễn ra ổn định.
Phóng viên: Năm 2020, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đã được giao cho địa phương. Có nhiều ý kiến quan tâm đến tính khách quan trong kết quả thi cần được đảm bảo và kỷ cương trường thi được siết chặt. Bộ có ý kiến gì về việc này? Cần làm gì trong năm tới?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng ta đều mong muốn kỳ thi ngày càng được tăng cường tính nghiêm túc, khách quan. Minh chứng là trong 5 năm qua, chúng ta đã đưa kỳ thi này lên độ tin cậy ngày càng cao, tính khách quan được ghi nhận. Kỳ thi này không chỉ Bộ GD&ĐT mà còn đề cao vai trò trách nhiệm của địa phương.
Năm 2020 vừa qua, các địa phương cũng đã phát huy vai trò của mình. Các trường ĐH cũng rất sẵn sàng tham gia, kiến nghị để được tham gia cùng Bộ GD&ĐT về công tác thanh kiểm tra, giám sát để tăng cường độ tin cậy, tính khách quan của kỳ thi. Trên cơ sở đó, trường sử dụng kết quả để xét tuyển.
Phóng viên: Vừa qua, có ý kiến đề xuất không nhất thiết phải có đợt thay đổi nguyện vọng nữa cho thí sinh, quan điểm của Bộ như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thí sinh đăng ký nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả của kỳ thi là một thành công trong thời gian qua. Việc này diễn ra không gây tốn kém, thời gian tới chúng ta tiếp tục đẩy mạnh, vì không dùng trên giấy mà sử dụng online. Bởi nó mang lại lợi ích cho thí sinh.
Trong khoảng thời gian từ đăng ký nguyện vọng ban đầu đến khi biết kết quả thi có 2 yếu tố tác động đến thí sinh: một mặt là kết quả thi, thứ hai là trong thời gian đó, các em tìm hiểu kỹ hơn thông tin, định hướng ngành nghề tốt hơn. Đó là quyền lợi của các em.
Chúng tôi cho rằng những gì mang lại lợi ích cho thí sinh cũng là mang lại lợi ích cho các trường. Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển thì các trường có nhiều cơ hội để lựa chọn tuyển sinh. Thống kê cho thấy số thí sinh nhập học tăng lên hằng năm. Đây là mong muốn của chung các trường và xã hội.
Phóng viên: Bộ có thể chia sẻ lộ trình thi trên máy thính và thành lập các trung tâm khảo thí độc lập?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ giữ vai trò chủ đạo chỉ đạo các địa phương, địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi. Bộ có nhiệm vụ xây dựng chính sách, văn bản, cơ chế để làm sao địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt.
Còn tiến tới việc thành lập các trung tâm khảo thí, điều này nằm trong chủ trương giảm thiểu việc thí sinh phải đi lại nhiều lần thi để tuyển sinh ở nhiều nơi khác nhau.
Tuy nhiên để làm được việc này, Bộ GD&ĐT đã giao cho Cục Quản lý chất lượng xây dựng văn bản, quy chế, điều kiện, yêu cầu về đề thi, về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để làm sao khi thành lập thì bài thi được chuẩn hóa, đảm bảo tính công bằng, khách quan tuyệt đối để các trường ĐH yên tâm sử dụng kết quả này.
Bài thi không đảm bảo độ tin cậy, không đảm bảo yêu cầu của các trường ĐH thì đương nhiên, các trường không sử dụng.
Phóng viên: Vậy thi trên máy tính và trung tâm khảo thí độc lập có mối quan hệ gì với nhau không, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đây là 2 việc khác nhau. Đối với thi trên máy tính là áp dụng thi tốt nghiệp THPT. Kế hoạch là tổ chức ở những nơi có điều kiện, còn nơi nào chưa có điều kiện thì vẫn thi tốt nghiệp THPT bình thường. Thi trên máy tính gọn nhẹ hơn nhiều so với thi trên giấy, giảm sự can thiệp của con người và có luôn kết quả cho thí sinh. Đây là mong muốn chúng ta cần hướng tới trong thi tốt nghiệp THPT thời gian tới.
Còn các trung tâm khảo thí độc lập, kết quả thi là để phục vụ xét tuyển sinh ĐH, không phải để thi tốt nghiệp THPT. Các trung tâm khảo thí độc lập, Bộ khuyến khích và thậm chí yêu cầu phải tổ chức thi trên máy tính vì có nhiều lợi ích như tôi nói ở trên. Ngoài ra, thí sinh còn có thể thi tại ngay địa phương mình.
Phóng viên: Đa số các trường đại học muốn lấy kết quả thi. Theo ông điều này nói lên gì?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Điều này có thể khẳng định kết quả của kỳ thi đảm bảo được yêu cầu của các trường trong việc xét tuyển sinh. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là các trường phải thực hiện quyền tự chủ của mình.
Mỗi trường có yêu cầu chuyên biệt. Như tôi đã nói ở trên, các trường có thể liên kết với nhau thành nhóm để tổ chức bài thi đánh giá năng lực lấy kết quả chung cũng như xây dựng trung tâm khảo thí để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Theo Dân Trí