Bỏ túi những bí kíp chinh phục Kỳ thi tiếng Anh đầu vào trường F

Vậy là chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa thôi, các bạn học sinh sẽ chính thức trở thành tân sinh viên K16 của trường ĐH FPT. Khi nhập trường, các bạn sẽ phải trải qua kỳ thi tiếng Anh xếp lớp để biết được mình sẽ học lớp nào khi vào học kỳ tiếng Anh đầu tiên. Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bạn giải quyết những lo lắng trước kì thi và bỏ túi cho mình một vài bí kíp để áp dụng nhé!

Kinh nghiệm ôn tập để vượt qua kỳ thi tiếng Anh đầu vào của trường ĐH FPT.

Những ngày gần đây, thấy nhiều bạn đang khá “hoang mang” về kỳ thi Tiếng Anh đầu vào của trường đúng không? Đừng quá lo lắng, hãy làm bài hết sức mình để có được kết quả như mong muốn và tham khảo các bí quyết sau để đạt kết quả cao hơn nhé.

Rèn luyện kỹ năng nói

Đây có lẽ là phần khiến nhiều bạn lo sợ nhất, vậy nên các bạn nên học cách để vượt qua nỗi sợ của bản thân, bằng cách tập nói thật nhiều. Hãy làm quen với việc chào hỏi bạn bè, người thân bằng tiếng Anh, từ những câu hỏi đơn giản nhất. Ví dụ: “What’s your name?”, “How are you today?”, hay “What is your hobby?”…

Bạn có sẵn sàng nói tiếng Anh không?

Có rất nhiều phương pháp để luyện tập, nhưng sẽ hiệu quả nhất khi bạn tập trung dành thời gian trau dồi kỹ năng của mình. Các bạn có thể tham khảo kênh Youtube “30 seconds English” của cô giáo Darlenne – giáo viên Tiếng Anh của trường FPT. Kênh này có rất nhiều chủ đề hữu dụng mà các bạn có thể áp dụng để tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh là một lợi thế rất lớn.

Và đừng quên luyện Phát âm nhé các bạn, đây là một kỹ năng cần thiết trong Tiếng Anh. Nếu không thể phát âm chuẩn chỉ từng âm tiết, ít nhất hãy giúp đối phương có thể hiểu được thông tin mà bạn muốn truyền đạt.

Làm sao để “nhồi” được thật nhiều từ vựng trong một thời gian ngắn

Từ vựng là một phần đặc biệt quan trọng khi học Tiếng Anh, bởi nếu không có nó, bạn sẽ không nói được gì cả. Nhưng làm sao để học từ vựng hiệu quả? Có rất nhiều sách, báo đề cập đến những phương pháp này. Các bạn có thể áp dụng cách sau nhé!

Phương pháp học từ mới bằng thói quen tra từ điển.

Đầu tiên, hãy tạo cho mình thói quen tra từ điển khi bắt gặp một từ mới, những đồ vật xung quanh mà mình chưa biết chúng trong tiếng Anh là gì? Hãy lắng nghe và lặp lại phần phát âm, sau đó xem xét ý nghĩa của từ. Việc học từ mới theo hoàn cảnh chính là cách ghi nhớ tốt nhất. Bằng cách này, bạn có thể học đến hàng chục từ mới một ngày. Nhưng quan trọng là phải lặp lại chúng thường xuyên.

Học ngữ pháp, không cách nào tốt hơn việc “làm bài tập”

Thực tế là các bạn biết điều này, nhưng vẫn bỏ qua chúng. Ngữ pháp tiếng Anh, nếu xét về cơ bản cũng không nhiều, và mọi người hoàn toàn có thể tìm được các chủ đề và bài tập tương ứng trên Internet. Điển hình là dạng bài về Thì, câu bị động, trực tiếp, gián tiếp, cấu trúc câu Điều kiện và câu Ước. Hãy đặt bút và làm bài tập, đây chính là cách tốt nhất để các bạn hiểu bản chất từng loại câu, và từ đó sẽ nhớ được lâu hơn.

Làm bài tập để hiểu và ghi nhớ cấu trúc ngữ pháp.

Phương pháp Nghe – Chép chính tả

Luyện nghe là cả một quá trình không ngừng nghỉ. Nếu bạn không phát âm tốt, thì cũng khó có thể nghe được một bài hoàn chỉnh. Vậy nên mới nói Phát âm là một phần rất quan trọng. Tuy nhiên, việc này rất dễ gây nản, nên đòi hỏi ở mọi người sự nhẫn nại khá cao. Hãy cân nhắc phương pháp trên, tuy khó khăn lúc đầu, nhưng sau một thời gian, chắc chắn sẽ giúp nâng “trình nghe” của các bạn lên nhiều.

Nghe và chép chính tả là một phương pháp học tiếng anh vô cùng hiệu quả.

Trước tiên, các bạn cần tìm nguồn nghe phù hợp và phải có “transcript” (phụ đề bằng tiếng Anh). Với những bạn mới bắt đầu, có thể tham khảo trang VOA, có những bản tin ngắn, và có phụ đề. Sau đó chọn lọc bài viết, và tiến hành nghe lần 1 – không nhìn “transcript” để nắm bắt nội dung chính. Tiếp theo, nghe lần 2 – vẫn không nhìn “transcript” và đồng thời chép chính tả từng câu ngắn một.

Cố gắng tập trung và chép được nhiều, chính xác nhất có thể. Sau khi hoàn thành xong, hãy đối chiếu với “transcript”, chỉnh sửa và tìm hiểu những chỗ mình chưa nghe được hoặc nghe sai. Nghe lần 3 – nhìn “transcript” và nói đuổi theo. Nghe lần 4 – không nhìn “transcript” và nói đuổi theo.

Phương pháp nghe – chép chính tả đòi hỏi sự kiên nhẫn cao.

Phương pháp này có thể rất khó với những bạn mới học nghe. Nhưng các bạn nên kiên nhẫn, mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 30 phút – 1 tiếng để rèn luyện nghe. Chỉ sau 2 tuần, bạn sẽ làm quen được với nhịp độ bài nghe, không bị bỡ ngỡ khi bước vào phòng thi.

Bên cạnh kiến thức được ôn tập, kỹ năng làm bài cũng rất quan trọng. Các bạn nên biết cách quản lý thời gian, phân chia cho từng dạng bài sao cho hợp lý. Trong bài thi nói, hãy thoải mái tinh thần, nói thật nhiều và cười thật tươi. Sự nhiệt tình và hòa đồng chính là yếu tố quan trọng giúp các bạn giành lấy tấm vé vào vòng tiếp theo đó. Đối với dạng bài nghe, đọc – hiểu, nên đọc câu hỏi trước và tìm “keyword”, sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho các bạn để làm những câu khác.

Trên đây là 4 phương pháp học tiếng Anh cũng như một số kinh nghiệm trong phòng thi, mong rằng sẽ hữu ích cho các bạn tân sinh viên để chuẩn bị thật chu đáo. Chúc tất cả các bạn làm bài bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả cao nhất nhé!

Hoa Mai

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tin liên quan

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT?

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN TUYỂN SINH

FPT UNIVERSITY

TRẢI NGHIỆM