Sinh viên ĐH FPT sẽ được học quản lý tài chính, khám phá năng lực bản thân, lái xe hay điều chỉnh cảm xúc. Đây đều là những kỹ năng mềm quan trọng đối với một thế hệ trẻ không đơn thuần tồn tại mà biết cảm nhận và sẻ chia những giá trị hữu ích.
Quản lý và lãnh đạo bản thân
Đến với lớp học Quản lý và lãnh đạo bản thân, sinh viên sẽ có cái nhìn rõ nét về bản thân, giải đáp một phần hoặc trọn vẹn những câu hỏi về “mục đích sống ở đời” như “Tôi là ai?”, “Tôi có ước mơ gì?”, “Cái đích lớn nhất trong cuộc sống tôi muốn đi tới là gì?”…
Đều là những vấn đề khá trừu tượng, giải đáp những câu hỏi lớn đối với người trẻ, trong lớp học này, giảng viên đóng vai trò người thầy chuyên môn và người anh, người chị kinh nghiệm trong cuộc sống, hướng dẫn, thúc đẩy người học khám phá bản thân.
Những lớp học “nghe đã thấy thực tế” của sinh viên ĐH FPT – 1Nhấn để phóng to ảnhBài chia sẻ về “My dream” của một sinh viên ĐH FPT
“Sau khi tham gia lớp học, mình biết cách để tự lên kế hoạch, định ra mục tiêu và cách thức đạt được nó. Nhưng mình thấy thấm nhất là mình đã phần nào hiểu thêm về bản thân, về những điều trong cuộc sống trước đây mình còn mông lung chưa biết định hướng.” Hồng Phúc (sinh viên K13) chia sẻ.
Lái xe
Lái xe ô tô có lẽ sẽ trở thành kỹ năng không thể thiếu đối với thế hệ Y, giống như lái xe máy với thế hệ X vậy. “Đút túi” tấm bằng lái xe trước khi ra trường, coi như sinh viên ĐH FPT có thêm một “giấy thông hành” cho hành trình tiếp theo của mình.
Chương trình học lái xe do ĐH FPT tổ chức được thiết kế thuận lợi cho sinh viên với khung lý thuyết và những “bí kíp” để thi lấy bằng “không trượt phát nào”. Chi phí học lái xe trong trường cũng thấp hơn so với mặt bằng chung. Ngoài việc học kỹ thuật lái, một điều quan trọng sinh viên được học ngay từ ngày đầu ngồi sau vô-lăng đó là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và đạo đức khi lái xe. ĐH FPT mong muốn rằng, sử dụng xe ô tô làm phương tiện đi lại, sinh viên nắm và hiểu Luật, biết cách xử lý những tình huống va chạm không may xảy ra một cách đúng pháp luật và hợp tình người.
Quản lý tài chính
Tài chính có lẽ luôn là vấn đề khiến các bạn sinh viên học tập xa nhà “đau đầu”. Câu chuyện đầu tháng sang chảnh rủ nhau đi ăn hàng, mua sắm online, cuối tháng âm thầm úp mì tôm ăn một mình trở thành “truyền thuyết” mà sinh viên nào cũng từng một lần được nghe thậm chí trải qua. Bởi vậy, quản lý tài chính là kỹ năng vô cùng cần thiết với các bạn trẻ. Lớp học Quản lý tài chính ở ĐH FPT cũng vì thế mà luôn kín đơn đăng ký tham gia ngay từ khi mở lớp.
Đến đây, sinh viên sẽ được học cách lập kế hoạch thu chi, quản lý các khoản chi tiêu sao cho cân bằng giữa “tiết kiệm” và “thoả mãn nhu cầu”, cách nói “không” với những khoản chi không cần thiết. “Mình được học về quy tắc 6 chiếc lọ: chi tiêu cần thiết, tiết kiệm, chi cho học hành, đầu tư, 1 ít dành cho các mối quan hệ và tất nhiên không thể thiếu khoản hưởng thụ như ăn uống, mua sắm. Nhờ đó, mình vừa không cần bóp mồm bóp miệng cắt giảm gì mà vẫn có chút ít để dành.” Diệu Vi (sinh viên QTKD) chia sẻ.
Tâm lý học đường
Gọi là “lớp học” có lẽ không hoàn toàn chính xác bởi đến với các workshop do Phòng Tâm lý học đường, ĐH FPT tổ chức, sinh viên không chỉ “học” về các biểu hiện, hành vi tâm lý, cách kiềm chế và giải quyết những cảm xúc tiêu cực mà còn được chia sẻ, thấu cảm để nhân lên những cảm xúc tích cực. Các workshop này kết hợp cùng tư vấn và trị liệu tư vấn chuyên sâu dành cho các cá nhân có vấn đề tâm lý phức tạp từng “chữa lành” nhiều trường hợp gặp bế tắc trong chuyện tình cảm, không có mục đích sống. Ngoài ra, đến với “lớp học” tâm lý, được gặp gỡ chuyên gia và bạn bè yêu thích bộ môn này, nhiều sinh viên tìm thấy đam mê “không ngờ” của mình và lấy đó làm điểm tựa vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Chương trình tâm lý học đường được trường học hỏi theo mô hình của Mỹ, chính thức triển khai từ năm 2016. Đây là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đưa tư vấn tâm lý học đường trở thành một hoạt động phát triển trong môi trường giáo dục.
Theo Dân Trí