‘Học kỳ nước ngoài – Semester abroad’ hay còn gọi là du học ngắn hạn từ lâu đã trở thành một ‘đặc sản’ của ĐH FPT. Trong học kỳ này, sinh viên được đăng ký học tại 1 trường nước ngoài là đối tác của ĐH FPT. Kết quả học tập của sinh viên sẽ được công nhận tương đương và chuyển đổi kết quả sang chương trình của nhà trường với tổng thời gian học không thay đổi.
Xem thêm: Học ngành Kinh doanh quốc tế ở Đại học FPT có tốt không?
Riêng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật có 2 học kỳ tại nước ngoài. Cụ thể, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh được chọn học tập tại các nước Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… và sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật học tập tại Nhật Bản. Việc có một môi trường “hoàn toàn không tiếng Việt” để thực hành hằng ngày, hằng giờ đã giúp cho trình độ ngoại ngữ của sinh viên ĐH FPT được nâng cao nhanh chóng.
“Chuyến đi học tại Malaysia không đơn thuần là học kiến thức mà mình còn học được rất nhiều điều thú vị ở nước bạn nữa. Người dân ở đây cực kì dễ thương, thân thiện, họ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta từ cách đi lại, ăn uống. Sau khoá học ở Malaysia thì khả năng tiếng Anh của mình được cải thiện, tự tin nói chuyện hơn” – Phan Thị Diễm Thắm – sinh viên chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế dành nhiều lời tích cực để nói về học kỳ tiếng Anh của mình tại “thiên đường nhiệt đới” Malaysia.
Được trường bắt đầu thực hiện từ 2013, đến nay, chương trình này đã có tuổi đời 6 năm. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường đại học FPT chia sẻ: “Mục tiêu của nhà trường là 100% sinh viên sẽ được trải nghiệm một học kỳ ở nước ngoài trước khi ra trường để có thể thích nghi với điều kiện làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Như vậy, mỗi sinh viên ĐH FPT sau khi tốt nghiệp, bên cạnh năng lực chuyên môn, đạt chuẩn về ngoại ngữ, hoàn thiện về kỹ năng mềm, còn có một nền tảng văn hóa đa dạng và vốn sống thực tế phong phú, sẵn sàng bước vào thị trường lao động với hành trang của một công dân toàn cầu”.
Trong danh sách các trường đại học hợp tác với Đại học FPT trong học kỳ nước ngoài, có những cái tên nổi bật như đại học Hongkong (xếp thứ 25 trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2019, top 2 châu Á – QS rankings); đại học Copenhagen – Đan Mạch (xếp thứ 79); đại học Sungkyunkwan – Hàn Quốc (xếp thứ 100); đại học Kyung Hee – Hàn Quốc (xếp thứ 264); đại học Darussalam – Brunei (xếp thứ 323); đại học Shinshu, Viện Công nghệ Kyushu – Nhật Bản (đều thuộc top 1000),…
Từng tham gia học kì nước ngoài tại Singapore, Lê Tuấn Anh – sinh viên chuyên ngành An toàn thông tin kể lại ấn tượng của bản thân về cơ sở vật chất của ngôi trường mới: “Phòng lab của Trường Ngee Ann Poly mình học có đủ các loại mạch, các thiết bị để sinh viên làm và test các sản phẩm. Các giảng viên ở đây là những người có trình độ cao và rất tâm huyết với các học sinh Việt Nam. Các thầy luôn giúp đỡ, hướng dẫn sinh viên tìm hiểu những công nghệ mới để phục vụ công việc”.
Bên cạnh học kỳ nước ngoài, sinh viên ĐH FPT còn có thể tham gia các chương trình như SUMMIT 2, Passage to Asean, Thực tập tại nước ngoài… Những chuyến đi đó, ngoài phục vụ mục đích học tập và công việc, còn giúp người trẻ mở rộng tầm mắt về thế giới, biết tôn trọng bản sắc văn hóa và đa dạng vùng miền ở mỗi quốc gia.
Trở về từ học kỳ tiếng Anh tại Malaysia vào đầu năm 2019, Trương Đình Phú – sinh viên khóa 14 chia sẻ: “Chuyến đi vừa rồi thay đổi mình khá nhiều, ít nhất là nó xóa bỏ nỗi sợ từ nhỏ của mình. Mình đã có một cuộc gặp gỡ riêng với một người Hồi giáo và điều đó đã thay đổi hẳn định kiến của mình. Ông là một tấm gương điển hình về kính trọng tôn giáo của mình, từ đó ông dạy cho mình cách yêu thương gia đình và cuộc sống, luôn giữ trái tim cởi mở hơn để đón nhận thế giới.”
Việc cho sinh viên tiếp cận với các môi trường giáo dục tiên tiến cũng là cách để ĐH FPT học hỏi kinh nghiệm, nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng đào tạo và trình độ nhân lực với thị trường lao động quốc tế.